1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lá chắn thép của Mỹ giúp Ukraine khắc phục lỗ hổng phòng không

Thành Đạt

(Dân trí) - Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ có thể giúp Ukraine khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống phòng không trước các trận tập kích tên lửa của Nga.

Lá chắn thép của Mỹ giúp Ukraine khắc phục lỗ hổng phòng không - 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 (Ảnh: Eurasiantimes).

Ngày 16/12, quân đội Nga đã phóng hàng chục tên lửa vào thủ đô Kiev của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng. Theo cập nhật của tình báo Anh, quân đội Nga gần đây đã gia tăng các cuộc tấn công tầm xa vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Tình báo Anh cho biết, đợt tập kích lần này của Nga vào Ukraine chủ yếu được thực hiện bằng tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển, và gần như chắc chắn bao gồm cả máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed-136. Phương Tây cáo buộc Nga mua các UAV này của Iran.

Nếu Nga mua được cả tên lửa đạn đạo của Iran, Moscow có khả năng sẽ tăng cường các cuộc không kích vào Ukraine trong bối cảnh Kiev không có đủ hệ thống phòng không để đánh chặn và bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga.

Theo một số nguồn tin, Mỹ đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn tất việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Washington được cho là đang xem xét trang bị cho Kiev phiên bản hiện đại nhất Patriot PAC-3.

Patriot PAC-3 là một trong những hệ thống mà chính phủ Mỹ đang xem xét gửi tới Ukraine để Kiev có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ nước này, Politico đưa tin.

Mỹ có thể đưa ra một phương án khác là thuê tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon để phát triển hệ thống mới cho Ukraine. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất nhiều năm.

Đáp trả thông tin trên, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cảnh báo việc Washington cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine sẽ là một động thái gây hấn khác của chính quyền Tổng thống Joe Biden và có thể gây ra "những hậu quả khó lường".

Giới chức quân sự Nga khó có thể xem nhẹ khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của hệ thống Patriot. Nếu các hệ thống Patriot được triển khai rộng rãi ở Ukraine, chúng có thể ngăn chặn hiệu quả bất kỳ tên lửa đạn đạo nào mà Nga sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Lá chắn thép của Mỹ giúp Ukraine khắc phục lỗ hổng phòng không - 2

Tên lửa Patriot-3 (Ảnh: Eurasiantimes).

Khác với các tên lửa đạn đạo của Nga như Iskander, vốn cơ động để tránh bị đánh chặn, các tên lửa có nguồn gốc từ Iran như Fateh-110 và Zolfaghar, với tầm bắn lần lượt là 300km và 700km, đi theo quỹ đạo thẳng và dễ dàng bị Patriot đánh chặn.

Ngoài ra, biến thể tối tân của Patriot cũng khiến Nga lo ngại do khả năng tác chiến của vũ khí này có thể khiến cán cân chiến sự nghiêng về phía có lợi cho Kiev. Hiện tại, PAC-3 mới chỉ được xuất khẩu sang một số quốc gia, bao gồm Đức, Nhật Bản, Kuwait, Hà Lan.

Theo nhà phân tích quân sự Mỹ, Thiếu tướng James "Spider" Marks, việc sử dụng Patriot sẽ góp phần giải quyết và giảm thiểu mối đe dọa chính mà Ukraine đang phải đối mặt, trong đó có các cuộc tập kích bằng tên lửa dẫn đường và máy bay không người lái của Nga để tấn công các mục tiêu quan trọng bên trong lãnh thổ Ukraine.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tăng độ chính xác và tỷ lệ đánh chặn cũng như bảo vệ các mục tiêu mặt đất. Các hệ thống S-400 cũng có thể làm được điều này, nhưng Patriot linh hoạt hơn với radar Phased Array mang lại độ chính xác cao mà không cần phải định vị lại radar.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng việc Mỹ chuyển giao PAC-3 cho Ukraine là một động thái mang tính chính trị.

"Đây là một động thái ủng hộ về mặt chính trị. Những gì chúng tôi có thể gửi cho Ukraine, mà tôi tin chỉ gồm một tổ hợp (Patriot), sẽ không bảo vệ được nhiều thành phố của Ukraine. Nó chỉ bảo vệ một điểm nào đó. Do vậy, khu vực được (Patriot) bảo vệ sẽ khá hạn chế", Tom Karako, chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.

Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 rất tốn kém. Ngoài ra, việc huấn luyện sử dụng và bảo dưỡng hệ thống này cũng là một thách thức. Một khóa huấn luyện chương trình Patriot đối với quân nhân Mỹ mất khoảng 9 tháng.

Tuy vậy, khi cuộc xung đột ngày càng trở nên căng thẳng hơn, và Nga vẫn sở hữu các tên lửa đạn đạo uy lực, PAC-3 có thể giúp lấp đầy khoảng trống phòng không quan trọng của Ukraine.

Theo Eurasiantimes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine