1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kyrgyzstan: “Hiến pháp mới đã được thông qua, sẽ có chính phủ mới”

(Dân trí) – Lãnh đạo chính phủ lâm thời Kyrgyzstan Roza Otunbayeva tuyên bố các cử tri nước này đã đồng ý với bản dự thảo hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, vì vậy, chính phủ lâm thời sẽ sớm được giải tán để thành lập một nội các mới.


Kyrgyzstan: “Hiến pháp mới đã được thông qua, sẽ có chính phủ mới” - 1

Hơn một nửa số cử tri đăng ký đã tham gia cuộc bỏ phiếu

“Đây là một ngày lịch sử, chúng ta đã thông qua một hiến pháp mới”, bà Otunbayeva nói với báo giới sau cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua. “Các thành viên chính phủ lâm thời, những người là lãnh đạo của các chính đảng, đang cân nhắc để từ chức vào ngày 10/7. Các thành viên chính phủ mới sẽ lên thay thế”.
 
Bà khẳng định một chính phủ mới, không còn chữ “lâm thời” đứng trước, sẽ được thành lập vào khoảng từ ngày 10-20/7 tới.

Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Kyrgyzstan, hơn 65% số cử tri đăng ký đã tham gia cuộc bỏ phiếu lần này. Người đứng đầu Ủy ban bầu cử trung ương Nga và dẫn đầu đoàn quan sát viên của Nga tại cuộc trưng cầu dân ý Kyrgyzstan đánh giá “cuộc trưng cầu dân ý diễn ra bình thường, không xảy ra vi phạm”.

Tuy vậy, kết quả chính thức sẽ được công bố trong ngày hôm nay, 28/7.

Nhà lãnh đạo lâm thời Roza Otunbayeva, người lên nắm quyền sau cuộc nổi dậy hôm 7/4 lật đổ tổng thống lúc đó là ông Kurmanbek Bakiyev, đã từ chối hoãn cuộc trưng cầu dân ý. Bà Otunbayeva nói bản tân hiến pháp sẽ trao cho chính phủ của bà địa vị pháp lý đầy đủ hơn.

Hiến pháp mới sẽ trao cho quốc hội thêm quyền lực và đưa ra các giai đoạn nhằm tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 9.

An ninh đã được tăng cường khắp thủ đô Bishkek, và các thành phố miền nam là Osh và Jalalabad - nơi các vụ bạo lực bùng nổ hôm 10/6 mà các quan chức ngành y tế nói đã khiến 275 người thiệt mạng, trong khi các quan chức khác nói số này là 2.000.

Việc trưng cầu dân ý được Liên Hợp Quốc, Mỹ và Nga ủng hộ, coi đây như một bước đi hướng tới phục hồi dân chủ. Nếu bản hiến pháp mới được thông qua, Kyrgyzstan sẽ trở thành một quốc gia cộng hòa lập hiến, và thủ tướng sẽ được trao nhiều quyền hành hơn.

Bà Otunbayeva khi đó sẽ tiếp tục là tổng thống lâm thời cho tới cuối năm 2011. Bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức 5 năm một lần và tổng thống chỉ được nắm quyền một nhiệm kỳ sáu năm.

Nhưng các đảng phái đối lập và một số nhóm nhân quyền đã chỉ trích việc bỏ phiếu, nói nó diễn ra quá sớm sau các cuộc xung đột sắc tộc tại Osh và khu vực Jalalabad lân cận. Dù tình trạng bạo lực đã giảm bớt, nhưng người dân ở hai quốc gia Uzbekstan và Kyrgyzstan vẫn chia rẽ sâu sắc.

Nhật Mai
Theo Xinhua, AP, BBC