1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kyrgyzstan: 400.000 người sơ tán, quốc tế cảnh báo thảm họa nhân đạo

(Dân trí) – Đến nay, đã có tới 400.000 người phải sơ tán khỏi khu vực bạo lực ở Nam Kyrgyzstan – Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết, trong khi Hội Chữ thập Đỏ cảnh báo về một thảm họa nhân đạo.

Theo người phát ngôn của Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc hôm qua, con số trên bao gồm cả khoảng 100.000 người đã sang xin tị nạn ở nước láng giềng Uzbekistan. Ngoài ra, có khoảng 300.000 người sơ tán đến những khu vực khác để tìm nơi trú ẩn.
 
Kyrgyzstan: 400.000 người sơ tán, quốc tế cảnh báo thảm họa nhân đạo - 1


Trẻ em tại một trại tị nạn của người Uzbekistan gần biên giới với Kyrgyzstan

Các cuộc xung đột nổ ra giữa người sắc tộc Kyrgyzstan và người sắc tộc Uzbekistan từ ngày 10/6 đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người tại các thành phố Osh và Jalalabad ở miền Nam Kyrgyzstan. Ban lãnh đạo lâm thời và các giới chức Chữ thập Đỏ nói rằng tổng số người thiệt mạng có thể còn cao hơn nhiều.

Hôm qua, phó Thủ tướng lâm thời Azimbek Beknazarov loan báo tình hình ở Osh đã ổn định, và ông khuyến khích công dân Kyrgyzstan tham gia cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp ngày 27/6. Nhiều nhân chứng cho biết quân đội nay đang tuần tra trên các đường phố tại các thành phố ở khu vực này - nơi không khí yên tĩnh nhưng vẫn căng thẳng.

Trong khi đó, Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) cảnh báo nhiều ngày bạo lực sắc tộc đã gây ra khủng hoảng nhân đạo lớn tại Kyrgyzstan. Hàng viện trợ đang dần tới khu vực, nhưng ICRC nói người tị nạn vẫn thiếu lương thực và các vật dụng cần thiết nhất như lều trại trú ẩn và nước uống.

Vẫn theo ICRC, việc giao tranh tạm ngưng cho phép các nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận các khu vực xung quanh Osh. Tuy nhiên, tâm lý bất an và sợ hãi, cộng thêm việc thiếu các vật dụng tối thiểu, đang gây áp lực trầm trọng lên các cộng đồng, bệnh viện và gia đình.

Chính quyền lâm thời ở Kyrgyzstan đang lúng túng trong việc lãnh đạo đất nước từ khi Tổng thống Kurmanbek Bakiyev bị lật đổ tháng 4 vừa qua. Họ cho rằng các đồng minh của ông Bakiyev, người hiện đang lưu vong ở Belarus, muốn phá hoại cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp dự tính vào ngày 27/6.

Người thiểu số Uzbekistan nói chung ủng hộ chính quyền lâm thời, nhưng ông Bakiyev lại được nhiều người Kyrgyzstan ở miền nam ủng hộ. Trong khi đó, yêu cầu của chính phủ Kyrgyzstan về việc gửi quân dẹp loạn đã bị Nga khước từ.

Washington đã điều đặc phái viên chuyên trách Trung Á, Robert Blake, tới Bishkek để họp với quan chức Kyrgyzstan vào hôm nay và ngày mai.


Nhật Mai
Theo AP, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm