1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga triệu tập họp khẩn về Kyrgyzstan, Uzbekistan đóng cửa biên giới

(Dân trí) - Khi các vụ bạo lực sắc tộc trong 4 ngày qua ở Kyrgyzstan chưa có dấu hiệu chấm dứt, lại nảy sinh mối lo ngại nữa liên quan đến tình hình nhân đạo tại vùng biên giới chung với Uzbekistan. Nga đã triệu tập cuộc họp khẩn trong khu vực để bàn giải pháp.

 
Nga triệu tập họp khẩn về Kyrgyzstan, Uzbekistan đóng cửa biên giới - 1
 
Hàng chục nghìn người tị nạn, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đang tụ tập ở biên giới Kyrgyzstan và Uzbekistan

Các vụ xung đột giữa người Kyrgyzstan đa số và sắc tộc Uzbekistan thiểu số ở miền nam Kyrgyzstan tính đến nay đã làm 138 người thiệt mạng và 1.700 người bị thương. Giới lãnh đạo cộng đồng Uzbekistan và các giới chức Hội Chữ Thập Đỏ nói con số tử vong thực sự còn cao hơn nhiều.
 
Mối lo ngại hiện nay liên quan đến tình hình nhân đạo tại vùng biên giới chung với Uzbekistan. Các giới chức Uzbekistan nói khoảng 100.000 người sắc tộc Uzbekistan đã tụ tập tại vùng biên giới Uzbekistan ở nam Kyrgyzstan hôm qua, giữa lúc khu vực này tiếp tục chìm đắm trong làn sóng bạo động giữa các nhóm sắc tộc.

Số người này đang sống tập trung ở hai bên đường biên giới Kyrgyzstan-Uzbekistan. Có rất ít người qua lại được đường biên giới. Các trại tỵ nạn tạm thời được dựng lên, làm nảy sinh nhiều vấn đề nhân đạo. Những người Uzbekistan sống ở Kyrgyzstan lo ngại không thể trở về nơi cũ nếu họ vượt biên giới, sang Uzbekistan.

Uzbekistan đang xem xét khả năng đóng cửa biên giới. Một quan chức cao cấp trong chính phủ Uzbekistan hôm qua cho biết nước này sẽ không tiếp nhận thêm người tị nạn từ nước láng giềng Kyrgyzstan. Quan chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ giải quyết vấn đề người tị nạn tháo chạy khỏi những vụ bạo lực.

Trong khi đó, các nhân chứng cho biết người sắc tộc Kyrgyzstan vẫn tiếp tục phóng hỏa đốt các khu xóm Uzbekistan. Một số người Kyrgyzstan tuyên bố chỉ bảo vệ miền Nam của Kyrgyzstan chống lại âm mưu của người Uzbekistan muốn chiếm khu vực này.

Hôm qua, một toán người không rõ tung tích đã chiếm một xe cứu thương ở Jalalabad, bắt nhiều bác sĩ làm con tin và đánh đập các nạn nhân. Miền Nam Kyrgyzstan là bàn đạp quyền lực của cựu Tổng Thống Kurmanbek Bakiyev, người bị lật đổ trong cuộc nổi dậy ngày 7 tháng Tư, trong đó 85 người bị giết chết.

Đang lánh nạn tại Belarus, ông Bakiyev bác bỏ cáo buộc cho rằng ông có đóng một vai trò trong cuộc bạo động. Ông Bakiyev tố cáo chính phủ lâm thời Kyrgyzstan là đã thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ nhân dân. Ông kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà Nga hiện giữ chức chủ tịch lãnh đạo gửi quân đến khu vực.

Họp khẩn

Nga triệu tập họp khẩn về Kyrgyzstan, Uzbekistan đóng cửa biên giới - 2
 
Dù một quan chức Kyrgyzstan nói tình hình miền nam đã trở lại bình thường, các nhân chứng cho biết bạo động vẫn tiếp diễn

CSTO hôm qua đã mở một phiên họp khẩn tại Mátxcơva để thảo luận một phương cách đáp ứng đối với tình hình. Tổ chức này bao gồm Nga, Kyrgyzstan và nhiều nước như Armenia, Kazakhstan, Belarus đã được hình thành từ 2007 để làm đối trọng với khối NATO.

CSTO nói họ chưa gạt bỏ hẳn giải pháp can thiệp quân sự để dẹp tình trạng bất ổn tại Nam Kyrgyzstan. Truyền thông Nga dẫn lời Tổng thư ký CSTO Nikolay Bordyuzha nói rằng tổ chức này đã có trong tay tất cả những gì cần có để hành động trong những tình huống như thế này, kể cả một phái đoàn gìn giữ hòa bình, và các lực lượng hỗn hợp có thể được điều động khẩn cấp đến khu vực Trung Á này.

Nga đã triển khai lính dù đến để bảo vệ căn cứ không quân của Nga tại Kyrgyzstan. Tuy nhiên, cho tới nay, Nga vẫn bác bỏ yêu cầu của Tổng thống lâm thời Rosa Otunbayeva, đề nghị Nga gửi các binh sĩ giữ gìn hòa bình đến nước này.

Mỹ cũng có một căn cứ không quân tại Kyrgyzstan, căn cứ này rất thiết yếu cho các cuộc hành quân tại Afghanistan. Cả Mỹ và Nga đều cam kết sẽ hỗ trợ nhân đạo. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi phối hợp những đáp ứng của quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc bắt đầu chiến dịch hồi hương kiều dân khỏi Kyrgyzstan. Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) hôm qua đã điều hai quan sát viên đến giám sát tình hình.

Việt Hà
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm