1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kyoto - “Thủ đô phía Tây” của đất nước mặt trời mọc

(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên cái tên Kyoto gắn với nghị định thư nổi tiếng về môi trường. Đây không những là cố đô, là trung tâm văn hóa, học thuật của Nhật Bản mà còn chứa đựng những điều khiến ai chưa đến sẽ chưa thực sự hiểu về đất nước mặt trời mọc.

Kyoto nằm trên phần đất phía Tây của đảo Honshu, hiện là thủ phủ của tỉnh Kyoto và cũng là khu vực rất quan trọng trong trung tâm chính trị văn hóa Osaka – Kobe – Kyoto. Vây quanh bốn bên là núi, Kyoto nối tiếng với những đêm mùa hè oi ả không một cơn gió, nhưng cũng được biết đến nhiều với vẻ nên thơ không đâu có được.

Cảnh trí của thành phố này thay đổi theo từng mùa và trong suốt 20 thế kỷ qua đã là cái nôi tự nhiên nuôi dưỡng nghệ thuật – văn hóa, là một di sản vô giá đối với người dân Nhật Bản. Vào mùa Xuân, nơi đây tưng bừng sắc màu của hoa lá, cây cỏ và âm thanh của những lễ hội cổ truyền. Mùa hè cũng là trung tâm diễn ra các cuộc thi đấu thể thao lớn, còn mùa Thu và mùa Đông là một tổ ấm tinh thần cho tất thảy những người dân nước này.

Kyoto - “Thủ đô phía Tây” của đất nước mặt trời mọc - 1
Cuối tháng 3 này, khi mùa Xuân về, khắp Kyoto sẽ đắm chìm trong sắc màu của hoa Anh Đào cùng muôn sắc hoa khác. 
 
Kyoto từng là thủ đô của Nhật Bản, nơi đóng đô của Nhật Hoàng trong khoảng 1.000 năm, từ khi thành phố được xây dựng năm 794 đến khi Nhật Hoàng rời đô về Tokyo năm 1868. Vào thế kỷ thứ 8, khi tầng lớp Phật giáo đầy quyền lực có quyền can thiệp vào công việc của chính phủ Hoàng đế, Nhật Hoàng đã quyết định rời đô đến một nơi cách xa ảnh hưởng của Phật giáo. Nơi đóng đô mới có tên là Heuankyo (có nghĩa là “Thủ đô Heian”) sau đó được đổi tên là Kyoto (có nghĩa là “Thành phố thủ đô”). Chính phủ được chuyển về Edo năm 1868, vào thời điểm khôi phục đế chế. Sau khi Edo được đổi tên thành Tokyo (“Thủ đô Phía Đông), Kyoto nổi tiếng suốt một thời gian dài với biệt danh Saikyo (Thủ đô phía Tây).
 
Kyoto - “Thủ đô phía Tây” của đất nước mặt trời mọc - 2
Cô gái trong trang phục truyền thống mùa lễ hội ở Kyoto

Kyoto trở thành thành phố được chính phủ chọn là khu vực kiến trúc đặc biệt năm 1956. Năm 1997, Kyoto đăng cai hội nghị và nổi tiếng với nghị định thư về khí thải gây hiệu ứng nhà kính mang tên thành phố này. Hiện đây là thành phố lớn thứ 7 của Nhật bản với dân số hơn 1,5 triệu và có một diện mạo rất hiện đại.

Trong nhiều thế kỷ, chiến tranh và hỏa hoạn đã nhiều lần tàn phá Kyoto. Ít ai biết rằng Kyoto từng bị Mỹ nhắm là mục tiêu ném bom nguyên tử vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II, nhưng rất may mắn là thành phố được được loại khỏi danh sách. Cũng nhờ thế, Kyoto là thành phố lớn duy nhất của Nhật Bản còn lưu giữ được rất nhiều những tòa nhà truyền thống được xây dựng từ trước chiến tranh cũng như vô số những đền thờ và những công trình kiến trúc cổ vô giá.
 
Kyoto - “Thủ đô phía Tây” của đất nước mặt trời mọc - 3

Đền Toji, biểu tượng của Kyoto
 
Cả Kyoto có chung một biểu tượng, đó là Toji, ngôi đền cổ nhất Nhật Bản. Tại thành phố được bảo tồn tốt nhất Nhật Bản này, 1.600 ngôi chùa và 400 ngôi đền thờ đạo thần, những cung điện, nhà vườn và công trình kiến trúc giá trị vẫn nguyên vẹn.
 
Kyoto - “Thủ đô phía Tây” của đất nước mặt trời mọc - 4

Góc hiện đại của thành phố

Nhưng Kyoto không chỉ là cố đô cổ kính và cũ kỹ. Đây còn là thành phố hiện đại, nơi có nền văn hóa mới phát triển trên cơ sở kế thừa những gì tốt đẹp nhất. Kyoto ngày nay khoác trên mình chiếc áo sặc sỡ với những điểm sáng lung linh, nổi tiếng là trung tâm của các ngành công nghiệp truyền thống, nghệ thuật, học thuật và tôn giáo. Nơi đây có 3 trường đại học nổi tiếng là Doshisha, Kyoto và đại học Rutsumeikan, mỗi năm thu hút hàng nghìn sinh viên nước ngoài theo học.

Điều ý nghĩa nhất là cho đến tận bây giờ, trong tâm tưởng của nhiều người dân Nhật Bản, Kyoto vẫn là thủ đô của họ.

Việt Hà
Sưu tầm
Dòng sự kiện: Du lịch khám phá