1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến ngầm trong Chiến tranh thế giới thứ hai:

Kỳ 2: Những người đảo ngược cuộc chơi

Việc liên lạc trực tiếp với phần lớn số điệp viên Xô-viết trước chiến tranh chỉ được nối lại vào năm 1945 khi Hồng quân tiến vào Đông Âu. Một trong những cách liên lạc mang tính đối phó tạm thời là thông qua những người đưa tin để chuyển đi các thông tin tối quan trọng.

Bẻ mã

Nếu như ở thời bình, người đưa tin có thể đi lại khắp châu Âu, thì trong thời chiến mọi chuyện lại khác hẳn. Họ không chỉ đối mặt với nguy cơ bị Gestapo (Cơ quan Mật vụ của Đức Quốc xã) bắt giữ, mà còn có thể bị thiệt mạng bởi "tên bay đạn lạc".

Trong khi đó, tại Trung Quốc và Nhật Bản, các điệp viên Xô-viết vẫn hoạt động tích cực. Một vài điệp viên nằm vùng bất hợp pháp tiếp tục hoạt động trong vùng tạm chiến ở Pháp, Bỉ và Hà Lan. Tình báo Xô-viết cũng vẫn khá hiệu quả ở Mỹ, Anh và các quốc gia trung lập như Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Điệp viên huyền thoại Richard Sorge. (Ảnh:

Điệp viên huyền thoại Richard Sorge. (Ảnh: historynet.com)
 
Tháng 7-1941, tức là ba tuần sau khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô, nhìn bên ngoài, kho trữ cá gần bến cảng ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) vẫn trông bình thường như những tòa nhà xung quanh. Nhưng bên trong đó lại chứa đựng một bí mật. Đây là trụ sở của Ban Mã hóa và Giải mã của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Thụy Điển.
 
Allan Nyblad, một người đưa tin của Bộ Chiến tranh Thụy Điển đang cân nhắc phải làm gì. Ông được Bộ Tổng tham mưu tin tưởng giao cho nhiệm vụ chuyển đi các giấy tờ khẩn cấp và quan trọng nhất. Allan Nyblad là người tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc và chỉ trao "gói hàng" của mình tận tay người nhận theo lệnh, điều đó đã gây được ấn tượng mạnh với Bộ trưởng Chiến tranh Thụy Điển. Tuy nhiên, chính quyền Thụy Điển không biết rằng, Allan Nyblad làm việc cho tình báo Liên Xô.
 
Khi ấy, để thuận tiện cho việc đi lại, xe đạp của người đưa tin được gắn biển số đặc biệt, tức là sẽ không bị cảnh sát địa phương chặn lại. Một hôm, sau khi nhận được "gói hàng" phải gửi đến Bộ Tổng tham mưu, Allan Nyblad đạp xe qua một khu nhà kho yên tĩnh rồi đột ngột ngoặt vào một ngõ vắng vẻ. Sau khi chắc chắn không bị ai theo dõi, ông tháo biển số xe đặc biệt ra và thay bằng biển xe thường. Ông đến một ngôi nhà hai tầng rồi bước vào gặp Semyon Starostin, điệp viên Xô-viết mật danh “Kent".
 
Vỏ bọc của Semyon Starostin bao gồm chức danh giám đốc một công ty tổ chức du lịch tại Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch và trưởng đại diện hãng hàng không quốc gia Liên Xô Aeroflot. Tháng 11-1941, ông quay về Liên Xô khi một "chân rết" của ông bị bắt.
 
Khi tất cả các tài liệu do Allan Nyblad mang đến đã được chụp xong, Semyon Starostin bỏ hết giấy tờ vào một phong bì mới. Ông có trong tay rất nhiều con dấu của các cơ quan Thụy Điển để gửi phong bì đi trót lọt. Nhờ mạng lưới của điệp viên “Kent”, Mát-xcơ-va nhận được báo cáo hằng ngày về hoạt động của địch dọc khắp tuyến mặt trận phía Đông do người Thụy Điển vẫn theo dõi phía phát-xít Đức và đã “bẻ mã” được họ.
 
Năm 1940, Thụy Điển nghi ngờ phát-xít Đức có kế hoạch xâm lược nước mình. Stockholm tìm cách phát hiện trước ý đồ của Hitler. Chỉ trong vòng 2 tuần cặm cụi với độc bút chì và giấy, Giáo sư toán học người Thụy Điển Arne Beurling đã bẻ được mật mã quân sự và ngoại giao của phát-xít Đức. Điều này cho phép Thụy Điển giải được các liên lạc đã mã hóa của phát-xít Đức và với điệp viên "Kent", tất cả những gì người Thụy Điển biết thì Mátxcơva cũng biết.

Tháng 1-1942, Allan Nyblad bị phía Thụy Điển bắt và bị kết án 12 năm tù khổ sai. Nhưng đến lúc đó, Mátxcơva đã có được thông tin làm cách nào Thụy Điển bẻ được mật mã của Đức. Đến tháng 6 năm đó, khi Đức phát hiện ra Thụy Điển đã bẻ được mật mã, phía Liên Xô cũng đã có thể tự bẻ khóa được hệ mã mới của Đức.

Nguồn tin vô giá về toan tính của Nhật Bản

Ngày 18-10-1941, quan hệ Nhật Bản và Liên Xô đang trong trạng thái "hòa hoãn đầy căng thẳng". Rạng sáng hôm đó, cơ quan phản gián Nhật Bản mở một chiến dịch vây bắt mạng lưới điệp viên Liên Xô. Một trong những người bị bắt là Richard Sorge. Trong khi Richard Sorge bị đưa đi, căn hộ của ông bị lục soát kỹ lưỡng. Tại đây, mật vụ Nhật tìm thấy những tài liệu buộc tội ông như máy ảnh và một xấp ảnh chụp tài liệu.

Richard Sorge sinh ra tại Đông Nam nước Nga, nhưng ngay từ bé ông đã cùng gia đình chuyển tới sống ở Đức. Sau khi chiến đấu trong quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Richard Sorge trở thành một người Cộng sản nhiệt thành và đến Mátxcơva. Tại đây, ông được tình báo quân sự Xô-viết tuyển dụng rồi gửi trở lại Đức dưới vỏ bọc nhà báo và cảm tình viên Quốc xã. Điều này đã đem lại nhiều thuận lợi cho ông cho đến tận tháng 10-1941, khi ông bị người Nhật bắt. 3 năm sau đó, Richard Sorge bị treo cổ. Đến năm 1964, ông được truy tặng phần thưởng Nhà nước cao quý nhất là danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Mạng lưới của Richard Sorge bao gồm 32 điệp viên người Nhật Bản, 4 người Đức, 2 người Nam Tư và 1 người Anh, trong đó đáng chú ý có điện đài viên người Đức Bruno Wendt, nhà báo người Nam Tư Branko Vukelic và nhà báo người Nhật Bản Hatsumi Ozaki, một cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Konoe. Một nguồn tin đáng giá khác của mạng lưới là Eugen Ott, Đại sứ Đức tại Nhật Bản và là một trong những người “đặt trọn niềm tin” vào Richard Sorge.

Việc Richard Sorge bị bắt và nhóm của ông bị phát hiện là tổn thất nặng đối với tình báo Liên Xô. Ông là một nguồn tin vô giá về các toan tính của Nhật Bản và Đức tại Viễn Đông. Chiến công lớn nhất của Richard Sorge là xác minh được việc Nhật Bản không có kế hoạch tấn công Liên Xô trong năm 1941 như ban lãnh đạo Liên Xô lo ngại.
 
Tháng 9-1941, từ Tokio, ông gửi về một điện tín với nội dung: “Theo lời Ozaki, Bí thư Nội các, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ không có hành động chống Liên Xô trong năm nay nhưng quân đội vẫn đóng ở Mãn Châu để có thể tấn công vào mùa Xuân tới nếu Liên Xô bị Đức đánh bại. Sau ngày 15-9, vùng Viễn Đông của Liên Xô có thể được xem là an toàn, không bị Nhật tấn công”.
 
Thông tin vô cùng quan trọng này đến vào lúc quân Đức vừa tung đòn tấn công tổng lực vào Mátxcơva. Nó cho phép Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô-viết rút nhanh 32 sư đoàn từ Siberi và Viễn Đông về cứu nguy cho thủ đô Liên Xô. Ngày 5-12-1941, các sư đoàn này dẫn đầu cuộc tổng phản công đẩy quân Đức lùi xa khỏi cửa ngõ Mátxcơva. Đó là một chiến thắng quan trọng mang công lớn của Richard Sorge.
 
(Kỳ 3: “Dàn nhạc Đỏ”)
Theo Đặng Lâm Vũ
Quân đội Nhân dân