Kim cương Nga có thể bị chặn đường vào châu Âu?
(Dân trí) - Một câu hỏi được không ít người quan tâm là liệu EU có sắp cấm nhập khẩu kim cương của Nga hay không, sau khi khối này tung ra hàng loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow vì cuộc chiến tại Ukraine.
Năm 2021, lượng kim cương thô với tổng giá trị 1,8 tỷ euro của Nga đã được nhập khẩu qua thành phố Antwerp của Bỉ, tương đương khoảng 25% tổng số đá quý nhập khẩu ở thành phố này. Antwerp là "thủ đô kim cương" và là đầu mối giao thương khổng lồ trong thị trường kim cương của thế giới, đem lại nguồn thu kinh tế vô cùng lớn cho Bỉ.
Tuy nhiên, mọi thứ đã dần thay đổi khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Theo Politico, nhập khẩu kim cương từ Nga của Bỉ đã giảm khoảng 80% từ đó.
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đưa ra gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga, nội bộ của khối vẫn diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên dứt khoát "chia tay" với dòng chảy kim cương của Nga hay không. Đây được xem là một quyết định không hề dễ dàng và cần phải có sự đồng thuận chung của cả khối chứ không riêng một nước nào.
Cuối tháng 9/2022, 5 nước thành viên EU gồm Ba Lan, Ireland, Litva, Estonia và Latvia đã đề nghị EU ngừng nhập khẩu kim cương của Nga nhằm góp phần làm suy yếu nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, Bỉ đã phản đối ý tưởng này do lo ngại lệnh cấm sẽ gây thiệt hại lớn và tác động tiêu cực đến ngành kinh tế chiếm 5% doanh thu xuất khẩu của Bỉ và tạo ra khoảng 30.000 việc làm.
Tháng 12/2022, các đại diện của Mỹ, Bỉ và Ủy ban châu Âu (EC) đã gặp nhau để tìm giải pháp phân phối đá quý từ Siberia mà không để các trung tâm kim cương như Antwerp bị ảnh hưởng quá lớn. Chuyên gia Hans Merket đến từ Tổ chức Dịch vụ Thông tin Hòa bình Quốc tế ở Antwerp đánh giá, phương Tây đang nỗ lực tìm ra một "biện pháp chung" sao cho hiệu quả nhất.
Gần đây, trong cuộc họp của 27 thành viên EU để chuẩn bị thực hiện gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã nhắc lại lập trường mạnh mẽ của ông đối với kim cương Nga. Theo đó, ông phản đối lệnh cấm bao trùm của EU đối với kim cương Nga. Thay vào đó, Bỉ đề xuất xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc tế đối với kim cương của Nga.
Bỉ hy vọng rằng bằng cách xây dựng một liên minh quốc tế để truy tìm "những viên kim cương máu" của Nga, cuối cùng nước này sẽ không còn bị coi là "rào cản hành động" nữa.
Thách thức không nhỏ
Việc cấm nhập khẩu kim cương của Nga là không hề dễ dàng bởi nó gặp phải không ít thách thức và cần sự đồng thuận chung của cả khối, cũng như làm sao phải tìm ra một giải pháp hiệu quả để tránh tạo ra cú sốc với thị trường kim cương châu Âu. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng phải phát huy hiệu quả trừng phạt của EU đối với Nga.
Theo một số chuyên gia phân tích, việc cấm nhập khẩu kim cương của Nga chưa chắc đã phát huy hiệu quả như kỳ vọng mà có thể gây ra các tác động xấu về kinh tế, ảnh hưởng thị trường châu Âu và có ít hoặc không có tác động đến thị trường Nga.
Trước đó, Mỹ đã áp dụng lệnh cấm vận đối với kim cương của Nga nhưng không thực sự hiệu quả vì nó chỉ ảnh hưởng đến kim cương thô, trong khi Mỹ lại là thị trường chủ yếu tiêu thụ kim cương đã được đánh bóng. Kim cương thô của Nga vì vậy đã được chuyển hướng sang các thị trường kim cương khác và thường tìm đường quay trở lại phương Tây sau khi được cắt và đánh bóng.
Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp EU áp lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga thì loại đá quý này vẫn có nhiều cách để đến thị trường EU một cách ẩn danh như thông qua các thị trường thứ ba ở Dubai hoặc Mumbai của Ấn Độ. Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của kim cương Nga vì vậy là rất khó khăn.
Ngoài ra, mặc dù công nghệ chuỗi khối và khắc laser bên trong những viên kim cương sẽ giúp truy nguồn gốc từng viên đá quý từ mỏ đến khách hàng và rất khó bị làm giả. Tuy nhiên, thật trớ trêu là công ty phát triển hệ thống theo dõi bằng laser lại chính là gã khổng lồ Alrosa của Nga. Đây là công ty khai thác tới 27% kim cương trên thế giới và mang lại nguồn ngân sách rất lớn cho Nga.