1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: 5 xu thế chính

Trong bức tranh tổng thể của đời sống chính trị quốc tế, năm xu thế chính đang nổi lên với gam màu khác nhau, tác động và chi phối mạnh mẽ đến an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương những năm vừa qua và trong tương lai gần.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: 5 xu thế chính - 1

Với tầm quan trọng đặc biệt về mặt chính trị, kinh tế và chiến lược, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang là trọng tâm chính sách của nhiều quốc gia và thể chế khu vực, bao gồm các nước vừa và nhỏ của ASEAN, trong đó có Việt Nam. Dưới những tác động ngày càng phức tạp của môi trường bên ngoài, các nước trong khu vực có xu hướng hoạch định chính sách với nhiều sắc thái hơn, chủ yếu theo hướng giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc, đồng thời xây dựng năng lực nội bộ nhằm thích ứng với sự thay đổi.

Căng thẳng Mỹ - Trung lên tầng nấc mới

Tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc trên thế giới trở nên gay gắt hơn, nổi bật là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Theo bảng xếp hạng năm mức độ quan hệ (Hợp tác; Hợp tác và cạnh tranh; Hợp tác ít hơn Cạnh tranh nhiều hơn; Đối thủ; Kẻ thù), nếu như trước kia, quan hệ Mỹ - Trung được đan xen bởi hai yếu tố hợp tác và cạnh tranh, thì ngày nay, sự cạnh tranh ngày càng mở rộng giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh có lẽ đã đạt đến tầng nấc thứ 4 – Đối thủ.

Về công khai, Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố hai nước không phải là kẻ thù, cũng chẳng phải địch thủ. Một mặt, hai siêu cường đã không còn xem nhau là đối tác như thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Mặt khác, thuật ngữ “đối thủ” có thể được hiểu theo hàm nghĩa, mặc dù sự cạnh tranh ở thời điểm hiện tại vượt xa hợp tác song phương, song khả năng thỏa hiệp không hoàn toàn bị loại trừ.

Lý do cho tiềm năng và kỳ vọng hợp tác Mỹ - Trung khá đơn giản: lợi ích chung phát sinh từ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và các mối đe dọa xuyên biên giới như khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và an ninh mạng. Theo đó, cạnh tranh Washington – Bắc Kinh đã tác động không nhỏ tới cục diện khu vực, đóng vai trò đáng kể trong quá trình cân nhắc của các nước về chiến lược an ninh quốc gia.

Bưới lùi của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa, nhân tố từng được coi là tất yếu và không thể đảo ngược của hệ thống quốc tế, đã gặp phải những nghi vấn và có bước lùi trong năm qua. Trong bối cảnh thương mại tự do - nét đặc trưng của toàn cầu hóa, không còn được coi là điều hiển nhiên, ngày càng nhiều câu hỏi được đặt ra về năng lực hình thành các thỏa thuận mới cùng khả năng quản lý và giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn nhận được không ít kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Theo Robert Lighthizer - nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Tổng thống Trump, một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ về hệ thống thương mại đối ứng tự do và công bằng. Sự hoài nghi về trật tự thương mại công bằng đang dần được hé mở trong bối cảnh các phong trào chống toàn cầu hóa đang gia tăng, xuất phát từ sự chênh lệch thu nhập, bất công bằng xã hội và tư tưởng dân tộc. Mặc dù một số khía cạnh của toàn cầu hóa như Internet và khả năng di động của con người vẫn còn đó, nhưng giờ đây, “bức tường lửa kỹ thuật số” và “bức tường thép” khổng lồ đã và đang lần lượt được xây dựng ở Trung Quốc và Mỹ.

Kỷ nguyên 4.0 lên ngôi

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan tỏa khắp các châu lục với những thực thể mới như Internet vạn vật, blockchain, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Giống như hầu hết các cuộc cách mạng trong lịch sử, cuộc cách mạng lần này cũng tác động đến mọi ngõ ngách của hành tinh. Điều này được cho là sẽ có lợi cho các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Một số quốc gia như Malaysia và Singapore nhiều khả năng nhận được kết quả “hỗn hợp”, trong khi các nước như Lào và Timor Leste có thể đối mặt với nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Một vấn đề nghiêm trọng khác nổi lên từ cuộc cách mạng này là sự phân chia kỹ thuật số. Nếu như trước kia, khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia là chủ đề được đề cập chủ yếu, thì giờ đây, sự phân chia này lại nằm trong phạm vi bức màn công nghệ có khả năng phân ly các quốc gia thành các hệ sinh thái công nghệ khác nhau.

Tinh thần “đa phương” trước phép thử mới

Dân chủ hóa quan hệ quốc tế - xu hướng từng được coi là đầy hứa hẹn sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đang bị kiềm chế bởi sự trở lại của chính trị quyền lực và khuynh hướng bá quyền. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một ví dụ điển hình. Trong quá khứ, đây từng là nơi chứng kiến sự chia rẽ và bế tắc trong quan hệ chủ yếu giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, nhưng ngày nay, mâu thuẫn dường như đã nảy sinh giữa bất kỳ cặp quốc gia nào.

Một con đường dẫn đến dân chủ hóa là chủ nghĩa đa phương. Mặc dù tinh thần của chủ nghĩa đa phương chưa dập tắt, một số thể chế đa phương đã và đang phải chịu tác động mạnh mẽ bởi kế hoạch của các cường quốc, như Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, hay Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Cho đến nay, các sáng kiến này đang đặt ra nhiều câu hỏi, thay vì đưa ra câu trả lời cho nhu cầu kinh tế và an ninh của các quốc gia trong phạm vi ảnh hưởng.

Ngoài ra, xu hướng ưu thích chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa đơn phương của các cường quốc đang ngày càng lớn mạnh. Ví dụ cho xu thế này là việc Mỹ rút khỏi các cam kết đa phương như UNESCO và INF, hay Trung Quốc tiếp tục chối bỏ các phán quyết của Tòa trọng tài thường trực trong vụ kiện của Philippines năm 2016.

Tác động đa diện của thách thức an ninh

Những thách thức an ninh đương đại truyền thống và phi truyền thống hiện nay đòi hỏi các quốc gia đầu tư nhiều nguồn lực hơn để giải quyết. Sẽ không có giải pháp lâu dài nào cho những điểm nóng an ninh khu vực như Bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông, tranh chấp biên giới Ấn Độ - Trung Quốc và quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan nếu không có sự nỗ lực từ nhiều phía.

Bên cạnh đó, tội phạm mạng – đối tượng gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm, an ninh nguồn nước trong lưu vực sông Mekong ảnh hưởng không nhỏ tới các quốc gia hạ nguồn như Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng với biến đổi khí hậu là những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với khu vực.

Tất cả những xu hướng này đặt các nước trong khu vực vào tình trạng buộc phải thay đổi và điều chỉnh chiến lược an ninh của mình, thậm chí là cả những cường quốc hàng đầu thế giới.

Việc hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc “va chạm” nhau trên nhiều khía cạnh và sử dụng các biện pháp “ăn miếng trả miếng” là xưa nay chưa từng có, cùng một số tác nhân như quy mô cạnh tranh ngày càng lan rộng, “thiên nga đen” và rủi ro kinh tế, tính khó lường trong hệ thống quốc tế được đánh giá là đang tăng lên, mặc dù những thông tin và dữ liệu khoa học hiện nay đang dồi dào hơn trước.

Đáng chú ý là các xu hướng khu vực phải đối mặt trong thời gian tới không khác biệt hoàn toàn so với trước đây, song một số xu thế đang trở nên rõ nét hơn, bao gồm sự cạnh tranh nổi trội gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động nhanh hơn và sâu rộng hơn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các khía cạnh khác nhau của cuộc sống.

Nhằm đối phó với thực trạng hỗn loạn và phức tạp của hệ thống quốc tế, nhiều nước lựa chọn tăng cường hợp tác và phối hợp với nhau nhiều hơn để giảm sự phụ thuộc quá mức vào một trong hai cường quốc.

Theo TS. Lê Đình Tĩnh

Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm