1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không tiền, không điện, người Beirut xây dựng lại cuộc sống sau thảm kịch

Minh Phương

(Dân trí) - Vốn bị ảnh hưởng bởi nội chiến và khủng hoảng kinh tế, người dân Beirut, thủ đô Li Băng nay tiếp tục gồng mình khắc phục hậu quả vụ nổ hồi đầu tuần - thảm kịch khiến nhiều gia đình không còn lại gì.

Không tiền, không điện, người Beirut xây dựng lại cuộc sống sau thảm kịch - 1
Người dân Beirut dọn dẹp đống đổ nát sau vụ nổ. (Ảnh: EPA)

Hai ngày sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut, thủ đô của Li Băng vẫn còn ngổn ngang đổ nát, những mảnh kính vỡ, những mảng bê tông vương vãi khắp nơi. Mathilde Abdo cẩn thận để không bị mảnh kính cứa vào tay khi cố lấy tấm ảnh của cậu con trai hồi nhỏ ra khỏi khung kính đã bị rơi vỡ sau vụ nổ. Mặc dù chồng cô, anh George, và người thân đã dành 2 ngày qua để dọn dẹp đống ngổn ngang, họ vẫn chưa thể trở lại cuộc sống bình thường trước kia trong căn hộ ở Ashrafieh, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ nổ.

"Mảnh kính vương vãi khắp nơi. Tôi nghĩ chúng tôi phải mất cả đời để dọn sạch các mảnh kính còn vướng vào quần áo và đồ dùng. Tôi từng muốn các con trai trở về quê nhà sau khi tốt nghiệp đại học ở Pháp để xây dựng đất nước, nhưng bây giờ tôi sẽ bảo chúng đừng về. Ở đây không có tương lai cho thế hệ trẻ", Mathilde nói.

Gia đình cô là một trong hàng trăm nghìn gia đình ở Beirut phải xới tung những đống đổ nát để cứu vãn những gì còn sót lại, để lưu giữ những kỉ vật như ảnh lưu niệm, giấy khen hay những kỉ vật có giá trị khác.

Cảnh tượng đổ nát sau vụ nổ tại cảng Li Băng

Những đám tang đầu tiên cho một số nạn nhân trong số 145 người thiệt mạng trong vụ nổ đã được tiến hành hôm qua 6/8, trong khi lực lượng cứu hộ tiếp tục chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mất tích hoặc những người còn mắc kẹt trong các đống đổ nát.

Lệnh phong tỏa do Covid-19 và việc thành phố thường vắng vẻ hơn vào khoảng thời gian này đã giúp nhiều người may mắn thoát thảm kịch, song con số thương vong được dự báo còn tăng tiếp khi các bệnh viện ở Beirut và khu vực xung quanh đều quá tải do có tới hơn 5.000 người bị thương.

“Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể nhưng chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính phủ”, Garen, một sinh viên 21 tuổi, một tình nguyện viên tham gia thu dọn đống đổ nát ở Beirut sau vụ nổ, cho biết. Cậu và những tình nguyện viên khác đứng bên ngoài một tòa nhà bị hư hại ở quận Gemmayze, người dân nơi đây lo ngại tòa nhà này sẽ sớm sập hoàn toàn.

Làm lại cuộc sống từ bàn tay trắng

Không tiền, không điện, người Beirut xây dựng lại cuộc sống sau thảm kịch - 2

Vụ nổ đã phá hủy một nửa thành phố Beirut, khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người bị thương. (Ảnh: Reuters)

Khi thành phố bắt đầu khôi phục sau cú sốc vì vụ nổ lớn chưa từng có, người dân Beirut cũng bắt đầu vạch ra núi công việc cần làm để có thể ổn định lại cuộc sống sớm nhất có thể.

Vụ nổ chiều 4/8 đã khiến khoảng 30.000 người ở Beirut rơi vào cảnh “vô gia cư” và hiện chưa rõ liệu có thể phục hồi bao nhiêu hạ tầng ở thành phố này có thể cứu vãn được. Thống đốc Marwan Abboud ước tính thiệt hại vật chất do vụ nổ gây ra có thể vượt 5 tỷ USD.

Khủng hoảng kinh tế từ cuối năm ngoái khiến vợ chồng Abdos đã phải chi tiêu hết số của cải tích cóp được. “Chúng tôi vốn đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Chúng tôi không nghĩ xây dựng lại nhà cửa khi không còn tiền của lại cũng là một trong những vấn đề mà chúng tôi gặp phải. Chúng tôi phải ở đây để đề phòng mất trộm”, George nói.

Trong khi đó, tại một nhà kho gương kính ở Dahiyeh, khu vực ít bị ảnh hưởng hơn ở Beirut, hàng chục người đang bận rộn cắt xẻ những tấm kính lớn vẫn có thể tái sử dụng. “Bình thường tôi rảnh rỗi lắm, nhưng bây giờ thì khá bận, tôi không nghĩ mọi chuyện ra thế này”, chủ kho kính có tên Ali cho biết. Ali chia sẻ, kho của anh có thể cung cấp những miếng kính giá rẻ, chỉ khoảng 8 USD, nhưng vấn đề là do khủng hoảng tài chính, người dân còn không thể bỏ ra số tiền như vậy để mua sắm sửa sang nhà cửa.

Xây dựng lại một nửa thành phố đã bị phá hủy sau vụ nổ khi không có tiền, không có nguyên liệu là một thách thức nữa mà Li Băng phải đối mặt sau khi đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi nội chiến, bởi khủng hoảng kinh tế và nạn tham nhũng. Mặc dù đang chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả của vụ nổ, nhưng lực lượng tình nguyện vẫn phải tạm ngừng công việc khi trời bắt đầu nhá nhem tối vì điện vốn không đủ cung cấp nay lại mất hoàn toàn, tất cả các máy phát điện dùng cho mục đích chiếu sáng đều đã bị phá hủy.