1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Từ “Paris của Trung Đông” tới vụ nổ thảm họa rung chuyển Li Băng

Thành Đạt

(Dân trí) - Vụ nổ rung chuyển thủ đô Beirut hôm 4/8 đã giáng thêm gánh nặng cho Li Băng khi nước này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức sau hàng chục năm bất ổn.

Từ “Paris của Trung Đông” tới vụ nổ thảm họa rung chuyển Li Băng - 1

Một góc Li Băng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Getty)

Từ “Paris của Trung Đông” tới vụ nổ thảm họa rung chuyển Li Băng - 2

Li Băng nằm ở bờ Đông của Địa Trung Hải, tiếp giáp Israel và Syria (Ảnh: Google)

Không biểu tượng nào thể hiện lịch sử thăng trầm của Li Băng phù hợp hơn lá cờ của quốc gia này. Li Băng là một trong số ít quốc gia độc lập trên thế giới có quốc kỳ lấy cảm hứng từ cây.

Cây tuyết tùng là một biểu tượng quan trọng trong lịch sử của Li Băng, thể hiện cho hạnh phúc, thịnh vượng và sự bền bỉ của đất nước này. Nhiều đảng phái chính trị và hãng hàng không quốc gia Li Băng cũng lấy cây tuyết tùng làm biểu tượng.

Trên lá cờ của Li Băng, nền trắng biểu hiện cho nền hòa bình, hai sọc đỏ tượng trưng cho máu của người Li Băng đổ xuống để bảo vệ đất nước, còn cây tuyết tùng thể hiện cho sự sinh tồn.

Toàn cảnh vụ nổ san phẳng một phần thủ đô Li Băng nhìn từ trên cao

Với vị trí địa lý rìa Địa Trung Hải, nằm giữa Syria và Israel, Li Băng nằm ở cửa ngõ châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Từng được gọi là “Paris của Trung Đông” vì vẻ đẹp tự nhiên hiếm có, thủ đô Beirut của Li Băng là thành phố duy nhất trên thế giới mà du khách có thể bơi ở biển Địa Trung Hải vào buổi sáng, trước khi lái xe lên núi để trượt tuyết vào buổi chiều.

Li Băng là đất nước có những thành phố năng động nhất tại Trung Đông. Thủ đô Beirut nổi tiếng với cuộc sống sôi động về đêm. Li Băng có 6 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đường bờ biển dài 300 km. Năm 2010, hơn 2 triệu người đã tới thăm Li Băng.

Giành được độc lập từ Pháp vào năm 1943, Li Băng là một trong những nước nhỏ nhất tại Trung Đông. Mặc dù diện tích nhỏ, nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử, Li Băng đóng vai trò quan trọng trong môi trường chính trị, an ninh và thương mại khu vực.

Sau khi trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng chính trị và bùng phát bạo lực, kể từ năm 2005, Li Băng nỗ lực để vươn lên phát triển và trỗi dậy sau những mất mát, biến nước này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Lịch sử thăng trầm

Từ “Paris của Trung Đông” tới vụ nổ thảm họa rung chuyển Li Băng - 3

Li Băng là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách. (Ảnh: Woima)

Li Băng từng được so sánh với Thụy Sĩ vì vai trò nổi lên như một trung tâm tài chính trong thập niên 1960. Cho tới giữa thập niên 1970, Li Băng vẫn là quốc gia phát triển thịnh vượng trong khu vực.

Tuy nhiên cuộc xung đột giữa các cộng đồng Cơ đốc giáo và Hồi giáo, làn sóng người tị nạn Palestine và những cuộc chiến tranh liên miên trong khu vực đã khiến Li Băng rơi vào giai đoạn bất ổn. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại Li Băng trong suốt 20 năm được tổ chức vào năm 1992.

Theo CNN, Li Băng quy tụ tới 18 giáo phái và một số nhóm dân cư bản địa. Lịch sử của Li Băng thể hiện qua mối quan hệ phức tạp, thậm chí đổ máu, với các nước láng giềng, Israel và Syria.

Li Băng trải qua cuộc nội chiến đẫm máu từ năm 1975 đến năm 1990, khiến 120.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người rời bỏ đất nước, trước khi nhiều khu vực tại nước này bị cả Syria và Israel chiếm đóng trong 2 thập niên. Quân đội nước ngoài cuối cùng đã rút khỏi Lebanon vào năm 2005.

Năm 1982, Israel phát động cuộc đổ bộ vào Li Băng để chiến đấu với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Cũng trong năm đó, nhóm Hezbollah được thành lập với mục đích đẩy lùi ảnh hưởng của Israel tại Li Băng. Phần lớn quân Israel rút khỏi Li Băng trước năm 1985, nhưng vẫn hiện diện tại phía nam Li Băng cho tới năm 2000 sau khi Israel dỡ bỏ vùng đệm thiết lập trong lãnh thổ Li Băng từ năm 1978.

Syria, nước láng giềng phía đông Li Băng, cũng có ảnh hưởng lớn tới chính trị nội bộ và các sự kiện lịch sử tại Li Băng. Binh sĩ Syria tới Li Băng vào năm 1976, ngay sau khi cuộc nội chiến bắt đầu và mãi tới năm 2005 mới rời đi.

Năm 2013, Hezbollah tuyên bố chiến đấu sát cánh cùng chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Động thái này càng làm chia rẽ thêm bối cảnh chính trị tại Li Băng, đồng thời dẫn tới các lệnh trừng phạt khiến lượng tiền đổ vào Li Băng, dưới hình thức du lịch và kiều hối, giảm sút. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng ảnh hưởng tới nguồn tài chính của Li Băng.

Cuộc xung đột tại Syria đã lan sang Li Băng, trong đó một số cuộc tấn công làm rung chuyển Beirut và các khu vực khác tại Li Băng. Tuy nhiên, tác động lớn nhất của cuộc chiến Syria tới Li Băng, đất nước có khoảng 4,5 triệu dân, là làn sóng tị nạn ước tính khoảng 1,5 triệu người.

Sau khi nhà nước Israel thành lập vào năm 1948, hàng nghìn người tị nạn Palestine đã kéo tới Li Băng khiến dân số nước này thay đổi đáng kể. Ước tính có khoảng 400.000 người tị nạn Palestine đăng ký chính thức tại Li Băng, tương đương 10% dân số.

Li Băng và các tổ chức quốc tế đã báo động về gánh nặng kinh tế và xã hội do dòng người tị nạn gây ra tại một đất nước không có đủ nguồn lực để hỗ trợ họ.

Kinh tế đình trệ, bạo lực gia tăng

Từ “Paris của Trung Đông” tới vụ nổ thảm họa rung chuyển Li Băng - 4

Người dân Li Băng đụng độ với cảnh sát khi tìm cách lao vào trụ sở Bộ Năng lượng ở Beirut trong cuộc biểu tình phản đối tình trạng cắt điện. (Ảnh: AFP)

Theo Guardian, Li Băng đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, khiến hàng nghìn người bỏ ra nước ngoài và làm bùng phát các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Vào tháng 10 năm ngoái, người dân tại ít nhất 70 thị trấn trên khắp Li Băng đã biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng của chính phủ, các biện pháp thắt lưng buộc bụng và thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản như nước máy không đủ an toàn để uống và mất điện hàng ngày.

Các cuộc biểu tình khiến Li Băng tê liệt, buộc Thủ tướng Saad Hariri phải từ chức. Tuy nhiên, ngay cả khi thủ tướng từ chức, tình hình tại Li Băng cũng không có nhiều cải thiện. Tình trạng thiếu điện ngày càng tồi tệ hơn, cuộc khủng khoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng hơn trong khi giá lương thực tăng tới 80%.

Kể từ tháng 3, giá của hầu hết hàng hóa tại Li Băng tăng gấp gần 3 lần, trong khi giá trị đồng nội tệ đã giảm 80%. Những người có việc làm cũng phải chật vật xoay sở từng tháng. Các trung tâm thương mại đóng cửa, bạo lực tràn lan trên phố, trong khi nghèo đói và tội phạm gia tăng.

Gần một nửa dân số Li Băng sống dưới mức nghèo và 35% thất nghiệp. Vào tháng 3 năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, Li Băng tuyên bố không thể trả hết nợ. Nợ công của Li Băng khoảng 92 tỷ USD, tương đương gần 170% GDP và là một trong những nước có tỷ lệ nợ cao nhất thế giới.

Hồi tháng 5, Li Băng đã khởi động các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đạt được các khoản viện trợ quan trọng theo kế hoạch giải cứu nền kinh tế của chính phủ. Tuy nhiên các cuộc đàm phán vẫn bị đình trệ từ đó đến nay.

Dịch Covid-19 càn quét khiến 65 người chết và hơn 5.000 người nhiễm bệnh tại Li Băng. Mặc dù các số liệu này vẫn ở mức tương đối thấp, song có xu hướng tăng nhanh gần đây và dịch cũng lan ra nhiều khu vực khác tại Li Băng. Các bác sĩ cảnh báo hệ thống y tế “mong manh” của nước này đã vượt quá sức chịu đựng khi số ca nhiễm mới vượt quá 100 người mỗi ngày.

Vào đêm 4/8, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại bến cảng Beirut, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Cảng Beirut bị phá hủy khiến Li Băng càng gặp khó khăn nhiều hơn do nước này phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu.

Theo Tobias Schneider, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách công Toàn cầu ở Berlin (Đức), 90% lượng lúa mì tiêu thụ ở Li Băng là lúa mì nhập khẩu. Phần lớn lượng lúa mì này đi vào Li Băng qua cảng vừa bị tàn phá.

Từ “Paris của Trung Đông” tới vụ nổ thảm họa rung chuyển Li Băng - 5

Cảnh đổ nát tại hiện trường vụ nổ ở cảng Beirut vào tối 4/8. (Ảnh: Reuters)

Vụ nổ khiến 78 người chết tại Lebanon