1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Không quân Mỹ muốn chế tạo đội quân 2.000 UAV trí tuệ nhân tạo

Đức Hoàng

(Dân trí) - Không quân Mỹ đang xin cấp ngân sách để chế tạo ra tối đa 2.000 UAV sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) làm phi công điều khiển.

Không quân Mỹ muốn chế tạo đội quân 2.000 UAV trí tuệ nhân tạo - 1

Một chiếc XQ-58A (Ảnh: National Interest).

Business Insider đưa tin, Không quân Mỹ đã đề nghị khoản ngân sách 5,8 tỷ USD nhằm chế tạo phi đội 1.000-2.000 chiếc UAV XQ-58A Valkyrie sử dụng phi công AI.

Theo New York Times, XQ-58A Valkyrie được chế tạo nhằm hỗ trợ cho máy bay có người lái, làm nhiệm vụ cơ động và bọc lót khi phi công điều khiển các phi cơ rơi vào tình huống nguy hiểm.

Ngoài ra, XQ-58A Valkyrie cũng được xem là vũ khí lý tưởng trong các nhiệm vụ có nguy cơ đe dọa tới tính mạng người điều khiển máy bay. Chúng cũng có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công tự sát vào mục tiêu quan trọng.

Vào cuối năm nay, Mỹ dự kiến sẽ thử nghiệm phiên bản XQ-58A Valkyrie với phi công AI tự đưa ra chiến lược để truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu trên Vịnh Mexico.

Valkyrie này có thể di chuyển với tốc độ 885km/h. Trần bay của UAV này là hơn 13.000m, với tầm hoạt động hơn 5.000km. Không quân Mỹ mong muốn được Quốc hội thông qua khoản chi 5,8 tỷ USD trong 5 năm để xây dựng đội UAV này.

Theo New York Times, mỗi chiếc Valkyrie có giá dao động 3-25 triệu USD, rẻ hơn rất nhiều so với máy bay có người lái.

Trong thời gian qua, sự phát triển bùng nổ của công nghệ khiến vũ khí AI được dự đoán sẽ trở thành tương lai của tác chiến hiện đại, nhưng điều này cũng gây ra những lo ngại về mối đe dọa của dòng khí tài này.

Một số chuyên gia về AI cảnh báo rằng nếu con người không có các biện pháp kiểm soát, sự phát triển bùng nổ về công nghệ có thể gây đe dọa tới chính nhân loại, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí.

Ví dụ, về lý thuyết, AI trên vũ khí không người lái có thể nhận ra các mục tiêu trên chiến trường.

Nhưng vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu, ví dụ dân thường, hay không.

Máy móc có thể có trí thông minh trong việc tính toán, nhưng đặt quyền ra quyết định vào máy móc và phần mềm có thể gây ra những hậu quả ngược khi chúng trở nên không còn có thể kiểm soát.

Theo BI