1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không lực Mỹ: Khi "gã nhà giàu" trở nên khốn khó

Theo các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ, lực lượng không quân nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cả về con người lẫn cơ sở vật chất bảo đảm và trang, thiết bị thay thế.

Không quân Mỹ đang gặp khó khăn do bị cắt giảm ngân sách
Không quân Mỹ đang gặp khó khăn do bị cắt giảm ngân sách

Kênh truyền hình Mỹ Fox News vừa “vạch áo cho người xem lưng” khi chỉ ra thực trạng khó khăn của lực lượng không quân Hoa Kỳ. Theo đó, nhiều lần liên tục bị cắt giảm ngân sách làm cho không quân nước này thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng chuyên môn và trang thiết bị.

Kênh truyền hình này cho biết, hiện tại Không quân Hoa Kỳ thiếu khoảng 700 phi công và khoảng 4.000 chuyên gia hàng không để có thể duy trì hoạt động của các máy bay trong điều kiện cần thiết.

Không những thế, sự thiếu hụt phương tiện và thiết bị thay thế đã lên đến đỉnh điểm khi nhân viên tại không ít các căn cứ bảo đảm không quân đã phải viết đơn xin phụ tùng từ “nghĩa địa” máy bay đã hư hỏng hoặc từ các bảo tàng hàng không để thay thế cho các máy bay đang sử dụng.

“Không chỉ nhân viên cảm thấy mệt mỏi mà tất cả lực lượng không quân đều cảm thấy như vậy. Ví dụ như chúng tôi có 20 máy bay, mà chỉ 9 chiếc máy bay ném bom có thể cất cánh” - kênh truyền hình dẫn lời trung sĩ Bruce Pfrommer tại căn cứ Ellsworth ở Nam Dakota - nơi đóng quân của phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1 số 28.

Máy bay tiêm kích AV-8B Harrier II đang hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ tấn công Mỹ
Máy bay tiêm kích AV-8B Harrier II đang hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ tấn công Mỹ

Độ tuổi trung bình theo quy định trong điều lệ kỹ thuật của của máy bay quân sự Mỹ là 27 năm. Trong 10 năm qua, Bộ quốc phòng Mỹ đã cắt giảm một nửa kinh phí cho các chương trình của không quân - đại úy không quân Mỹ Elizabeth Dzharding nói với kênh truyền hình Fox News.

Việc thiếu hụt ngân sách đã khiến cho không quân Mỹ phải cắt giảm số lượng lớn nhân lực và vật lực. Kể từ khi kết thúc chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, số lượng nhân viên không quân Mỹ đã giảm 30%, số lượng máy bay giảm 40%, số lượng phi đội máy bay chiến đấu giảm 60%.

Không chỉ lực lượng không quân mà lực lượng hàng không của hải quân Mỹ cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Sự chậm trễ của chương trình phát triển tiêm kích hạm trên tàu sân bay F-35C và phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B (STOVL) trên tàu bộ tấn công đã khiến lực lượng không quân hải quân và cho hải quân đánh bộ Mỹ thiếu hụt máy bay nghiêm trọng.

Hải quân đánh bộ Mỹ (United States Marine Corps-USMC) hiện sử dụng 140 chiếc máy bay STOVL là AV-8B Harrier II đã quá cũ, có tỷ lệ rơi cao nhất trong các loại máy bay của Mỹ. Việc sản xuất máy bay này đã ngừng vào năm 1997, hoạt động nâng cấp lớn cũng ngừng vào năm 2003.

Do đó, Mỹ đã buộc phải mua lại lô 74 chiếc BAE Sea Harrier (thiết kế tương tự AV-8B) nghỉ hưu từ năm 2012 của hải quân Anh để “nhặt nhạnh” linh kiện còn tốt để thay thế cho AV-8B.

Tuy nhiên, giải pháp chắp vá này cũng không mang lại hiệu quả, sự việc chiếc AV-8B của hải quân đánh bộ Mỹ vừa rơi trên biển Đại Tây Dương, thuộc khu vực ngoài khơi vùng Wilmington, Bắc Carolina hôm 6-5 vừa qua là minh chứng điển hình.

Do đó, mặc dù đã tháo lắp và nâng cấp được số lượng khá lớn AV-8B Harrier II nhưng hải quân đánh bộ Mỹ cũng hạn chế các chuyến bay của loại tiêm kích STOVL này, chấp nhận “chen chúc” sử dụng số máy bay F/A-18 Hornet ít ỏi còn lại của mình.

USMC có tổng số 276 chiếc máy bay F/A-18 Hornet nhưng trong đó chỉ có 32% (87 chiếc) của đủ điều kiện an toàn bay, mà yêu cầu tối thiểu phải là 58%. Trong số đó, 30 chiếc đang triển khai ở các căn cứ huấn luyện, 57 chiếc đang được triển khai ở vùng Vịnh và châu Á-Thái Bình Dương.

Do đó, hiện hàng trăm phi công triển khai ở các khu vực khác đang sử dụng vẻn vẹn có 17 chiếc F/A-18 Hornet, dẫn đến sự quá tải cho máy bay, đồng thời phi công cũng không tích lũy đủ số giờ bay để duy trì kỹ thuật điều khiển máy bay ở mức độ tối thiểu.

Theo

PetroTimes