1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không dễ bao vây Triều Tiên

Hải quân Triều Tiên sở hữu một số năng lực có thể cho phép nước này thách thức bất kỳ sự phong tỏa nào.

Trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ đang chuẩn bị những lập trường đàm phán và định nghĩa về khái niệm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, khó có thể bỏ qua sự gia tăng các hoạt động quân sự khu vực - đáng chú ý nhất là các cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn.

Các cuộc diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc gần eo biển Đài Loan diễn ra ngay sau cuộc tập trận hải quân lớn chưa từng có của Bắc Kinh vào tháng rồi. Nga cũng tiến hành các cuộc tập trận trên đất liền, trên biển và trên không quanh quần đảo Kuril, tiếp giáp đảo cực Bắc Hokkaido của Nhật Bản. Các cuộc tập trận mùa xuân thường niên giữa Hàn Quốc và Mỹ đã được tiến hành mặc dù có quy mô nhỏ hơn các năm trước.

Bên cạnh đó cũng có những tin tốt lành. Seoul và Bình Nhưỡng cam kết ký hiệp ước hòa bình trong cuộc gặp thượng đỉnh cuối tháng 4. Trong khi đó, các quan chức Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên kể từ các cuộc trao đổi quân sự giữa 2 nước bị trì hoãn cách đây 6 năm. Nhờ đó, căng thẳng trong khu vực có khả năng được xoa dịu.

Tuy nhiên, việc tàu khu trục HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh tới cảng Yokosuka - Nhật Bản cùng với thông tin Anh sẽ điều thêm 2 tàu chiến đến cảng này vào cuối năm nay báo hiệu khả năng diễn ra một chiến dịch mới - phong tỏa hàng hải đa quốc gia đối với Triều Tiên.


Tàu khu trục HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh rời cảng Yokosuka - Nhật Bản sau chuyến thăm cuối tháng 4 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tàu khu trục HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh rời cảng Yokosuka - Nhật Bản sau chuyến thăm cuối tháng 4 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Washington đang chuẩn bị các biện pháp cụ thể trong trường hợp đàm phán với Triều Tiên sụp đổ. Ý tưởng phong tỏa hàng hải Triều Tiên từng được thảo luận trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 1. Phương thức này có thể hiệu quả. Tuy nhiên, bàn cờ ngoại giao phức tạp ở khu vực cùng với thực tế không thể thay đổi về địa lý của Triều Tiên dẫn đến thách thức vô cùng lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

Nhật Bản sẽ không điều tàu chiến tham gia nhiệm vụ tác chiến. Bên cạnh đó, Hàn Quốc ít có khả năng từ bỏ chính sách hòa giải và tham gia chiến dịch trên, thậm chí có thể phản đối. Trung Quốc không muốn chứng kiến Triều Tiên sụp đổ hoặc bất ổn, còn Nga khó chấp nhận động thái mạnh mẽ trên trong vùng biển gần lãnh hải mình. Tính khả thi của bước đi trên còn bị đặt dấu hỏi bởi Triều Tiên có biên giới trên bộ với vài nước, trong đó Trung Quốc nhiều khả năng giúp đỡ để ngăn Bình Nhưỡng sụp đổ.

Riêng Anh đang phải đối mặt nhiều thách thức về an ninh trong nước giữa lúc Nga đang trỗi dậy và năng lực hải quân bị xói mòn bởi sự cắt giảm chi tiêu quân sự mạnh mẽ. Bắc Kinh cũng lên tiếng chống lại bất kỳ sự tăng cường hiện diện nào của Hải quân Anh ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Trong tình cảnh đó, Pháp có thể đóng góp nhiều hơn cho một chiến dịch như thế, nhất là khi họ nhiều lần nhấn mạnh là một cường quốc Ấn Độ - Thái Bình Dương thật sự và có nhiều lợi ích ở khu vực

Tuy nhiên, Paris và London không thể giúp xoa dịu nỗi lo lớn hơn của Tokyo. Đó là Trung Quốc sẽ dẫn đầu về thương mại và an ninh khu vực trong trường hợp Mỹ rút quân khỏi Seoul để đổi lại hành động giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện nỗ lực duy trì quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin với hy vọng mong manh rằng điều này có thể dẫn đến việc giành lại ít nhất 2 trong số 4 hòn đảo tranh chấp phía Bắc, đồng thời ngăn Moscow và Bắc Kinh củng cố quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là an ninh.

Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hành động phong tỏa hàng hải rõ ràng là bước đi gây hấn nhằm vào một quốc gia khác. Vì thế, những nước nào ủng hộ ý tưởng này sẽ đối mặt không ít rắc rối ngoại giao. Trong bối cảnh hiện nay, một hành động như thế hiếm khi diễn ra nếu không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh.

Ngoài ra, có không ít yếu tố chính trị, chiến lược cản trở một sự phong tỏa hải quân như thế. Chẳng hạn như bất kỳ hành động quân sự nào của Nhật Bản đều có thể kích động phản ứng của Triều Tiên, bên cạnh thách thức từ hải quân Trung Quốc và các lực lượng quân sự vùng Viễn Đông Nga.

Hỏa lực và quyết tâm của hạm đội Triều Tiên là một mối lo ngại khác, nếu Bình Nhưỡng phản ứng mạnh mẽ khi phải đối mặt với kịch bản "không ra tay sẽ mất hết". Hải quân Triều Tiên sở hữu một số năng lực bất đối xứng có thể cho phép nước này thách thức bất kỳ sự phong tỏa nào, như tàu ngầm mini, tên lửa hành trình đối hạm…

Các lực lượng hải quân Triều Tiên được đào tạo trong nhiều năm để cải thiện khả năng tương tác, điều phối và hoạt động gần các nước tiến hành lệnh phong tỏa. Tóm lại, nguy cơ xảy ra chạm trán trên không và trên biển giữa liên minh phong tỏa và Triều Tiên, thậm chí là Trung Quốc và Nga, là không nhỏ.

Theo Xuân Mai

Người lao động