1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khoảnh khắc lá chắn Vòm sắt Israel đánh chặn "mưa" rocket từ Dải Gaza

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lá chắn Vòm sắt của Israel thể hiện khả năng tác chiến hiệu quả trong việc ngăn chặn các hỏa lực từ phía Dải Gaza bắn ồ ạt về phía Nhà nước Do Thái.

Asia Times ngày 6/8 đăng tải đoạn video được mô tả là ghi lại cảnh lá chắn Vòm sắt được triển khai để vô hiệu "mưa" rocket bắn từ phía Dải Gaza về Israel.

Căng thẳng tại khu vực leo thang sau khi Israel tối 5/8 đã tấn công một tòa nhà ở Dải Gaza, khiến thủ lĩnh của Lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) Taysir al-Jabari thiệt mạng. Ngoài ra, Israel cũng pháo kích và tấn công tên lửa vào các vị trí khác được cho là có liên quan đến PIJ trong một chiến dịch có tên gọi "Hừng đông".

Israel coi PIJ là tổ chức khủng bố Hồi giáo thánh chiến.

Vài giờ sau, PIJ đã bắn hàng loạt rocket về phía miền Nam và miền Trung Israel, đồng thời tuyên bố đây mới chỉ là "màn dạo đầu" để trả thù cho cái chết của thủ lĩnh al-Jabari.

Khoảnh khắc lá chắn Vòm sắt Israel đánh chặn "mưa" rocket từ Dải Gaza

Theo thống kê mới nhất từ lực lượng vũ trang của người Palestine Hamas, 11 người thiệt mạng, 80 người bị thương trong các vụ tấn công của Israel.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết, có ít nhất 160 quả rocket đã bắn từ Dải Gaza về phía Israel từ hôm qua. IDF vẫn đang tiếp tục tấn công vào các mục tiêu mà họ xác định là của "phe khủng bố".

Israel tuyên bố đã chuẩn bị cho chiến dịch quân sự kéo dài một tuần ở Dải Gaza và tới nay vẫn chưa có cuộc đàm phán nào được tiến hành để xuống thang căng thẳng ở khu vực.

IDF cho hay, lá chắn Vòm sắt đã thể hiện khả năng đánh chặn với tỷ lệ thành công 95%. Phát ngôn viên IDF Kan Kochav tiết lộ, 30 quả rocket do PIJ phóng ra đã không vượt qua được đường ranh giới giữa Israel và Dải Gaza. Trong khi đó, 60 quả rocket đã bị Vòm sắt đánh chặn. Số còn lại rơi xuống các bãi đất trống.  

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt (Iron Dome) do các doanh nghiệp quốc phòng của Israel sản xuất với sự hỗ trợ cả về tài chính và công nghệ của Mỹ. 

Hệ thống này được đưa vào biên chế của quân đội Israel năm 2011. Nó được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và pháo tầm ngắn. Hai hệ thống riêng biệt, được gọi là David's Sling và Arrow, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa tầm trung và tầm xa, bao gồm máy bay, máy bay không người lái, pháo và tên lửa.

Khoảnh khắc lá chắn Vòm sắt Israel đánh chặn mưa rocket từ Dải Gaza - 1

Đồ họa mô phỏng cơ chế hoạt động của "Vòm sắt" (Đồ họa: Business Insider).

Vòm sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các tên lửa đánh chặn được phóng theo phương thẳng đứng từ một giàn phóng di động hoặc bệ phóng cố định. Chúng được thiết kế để đánh chặn tên lửa đối phương ở trên không, tạo ra các vụ nổ và tiếng còi cảnh báo.

Chi phí vận hành Vòm sắt được cho là tương đối thấp bởi nó chỉ khai hỏa khi phát hiện mối đe dọa đến con người và cơ sở hạ tầng, không lãng phí quá nhiều tên lửa đánh chặn.

Theo Asia Times, TOI