1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Kho vũ khí Iran mạnh cỡ nào để tung đòn đáp trả Israel?

Thành Đạt

(Dân trí) - Iran sở hữu kho tên lửa và máy bay không người lái đa dạng, có thể đe dọa đối thủ trong các cuộc đọ sức quân sự.

Kho vũ khí Iran mạnh cỡ nào để tung đòn đáp trả Israel? - 1

Tên lửa đạn đạo của Iran (Ảnh: Reuters).

Theo đánh giá thường niên được công bố năm 2023 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, lực lượng vũ trang Iran là một trong những lực lượng lớn nhất ở Trung Đông, với ít nhất 580.000 quân nhân tại ngũ cùng khoảng 200.000 quân nhân dự bị được huấn luyện, chia thành hai nhánh là quân đội Iran truyền thống và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Cả hai nhánh này đều có lục quân, không quân cũng như hải quân riêng biệt, trong đó Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chịu trách nhiệm về an ninh biên giới nước này. Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Iran điều phối các nhánh đồng thời đề ra chiến lược chung.

IRGC cũng điều hành Lực lượng Quds, một đơn vị tinh nhuệ phụ trách trang bị vũ khí, huấn luyện và hỗ trợ mạng lưới dân quân ủy nhiệm trên khắp Trung Đông được gọi là "trục kháng chiến". Các lực lượng dân quân này bao gồm Hezbollah ở Li Băng, Houthi ở Yemen, các nhóm dân quân ở Syria hay Iraq, Hamas và Jihad Hồi giáo Palestine ở Gaza.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran là lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, người có quyền quyết định cuối cùng về mọi vấn đề quan trọng.

Mặc dù lực lượng dân quân ủy nhiệm không được tính là một phần của lực lượng vũ trang Iran, nhưng các nhà phân tích cho biết họ được coi là lực lượng đồng minh trong khu vực, sẵn sàng chiến đấu, được trang bị vũ khí hạng nặng, trung thành về mặt tư tưởng, đồng thời có thể hỗ trợ Iran nếu bị tấn công.

"Mức độ hỗ trợ và các loại hệ thống mà Iran cung cấp cho các chủ thể phi nhà nước về máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo hoặc hành trình, thực sự lớn chưa từng có. Những lực lượng này có thể được coi là một phần trong năng lực quân sự của Iran, đặc biệt là Hezbollah, lực lượng có mối quan hệ chiến lược chặt chẽ nhất với Iran", Fabian Hinz, một chuyên gia về quân đội Iran tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.

Phòng không  - Không quân

Kho vũ khí Iran mạnh cỡ nào để tung đòn đáp trả Israel? - 2

Máy bay chiến đấu Kowsar của Iran (Ảnh: Tasnim).

Lực lượng không quân của Iran vẫn bị lép vế so với các đối thủ. Iran hiện chủ yếu vận hành các máy bay chiến đấu Sukhoi cũng như MiG của Nga từ thời Liên Xô.

Không quân Iran hiện sở hữu phi đội máy bay cũ kỹ và phải vật lộn để mua phụ tùng thay thế nhằm đảm bảo đội bay vẫn có thể hoạt động trong những năm qua.

Iran cũng đang chế tạo máy bay của riêng mình, như Saeqeh hay Kowsar, dựa trên thiết kế của Mỹ, nhưng chúng được cho là không sánh kịp với các máy bay chiến đấu hàng đầu như F-35 mà Israel sử dụng rộng rãi.

Việc chuyển giao hơn 20 máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất có thể hồi sinh đáng kể lực lượng không quân Iran. Các cuộc đàm phán về quá trình này đang tiếp diễn.

Tuy vậy, Iran vẫn có nhu cầu được trang bị các hệ thống phòng không mạnh.

Iran đặc biệt tập trung vào việc cải thiện hệ thống phòng không, ngoài việc "che giấu" một số căn cứ không quân, kho tên lửa và cơ sở hạt nhân sâu trong núi để bảo vệ chúng trước các loại đạn phá hầm ngầm mà Mỹ cung cấp cho Israel.

Hệ thống phòng thủ tầm xa nhất do Iran vận hành là Bavar-373, được đưa vào sử dụng vào năm 2019 sau một thập niên phát triển - thử nghiệm, đã được cải tiến đáng kể.

Vào tháng 11/2022, các quan chức Iran đã trưng bày một mẫu Bavar-373 cải tiến mà họ cho biết có phạm vi phát hiện radar được cải thiện từ 350km lên 450km, được trang bị tên lửa đất đối không Sayyad 4B tiên tiến.

Hệ thống này được cho là có thể khóa mục tiêu bao gồm tên lửa đạn đạo tầm xa, máy bay không người lái hoặc máy bay chiến đấu tàng hình ở khoảng cách lên tới 400km, theo dõi 60 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng một lúc, đồng thời tấn công chúng ở cự ly lên tới 300km.

Truyền thông nhà nước Iran cho biết hệ thống này ở một số khía cạnh vượt trội so với S-300 do Nga sản xuất, thậm chí có thể so sánh với S-400, một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới. Bavar-373 chưa từng tham chiến ngoài các cuộc tập trận quân sự ở Iran, nhưng các chuyên gia coi đây là một phần của một trong những mạng lưới phòng không dày đặc nhất thế giới.

Ngoài các hệ thống phòng không tầm gần Tor của Nga, Iran còn vận hành các hệ thống S-300. Các hệ thống S-300 mà Liên Xô đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào cuối những năm 1970, được thiết kế để bắn hạ máy bay, máy bay không người lái cũng như tên lửa đạn đạo hoặc hành trình ở khoảng cách lên tới 150km, trong khi Tor là một hệ thống tầm thấp đến trung bình, được sử dụng để đối phó với các mối đe dọa ở khoảng cách lên tới 16km.

Tên lửa và UAV

Kho vũ khí Iran mạnh cỡ nào để tung đòn đáp trả Israel? - 3

Các loại tên lửa mà truyền thông Iran khẳng định có thể vươn tới lãnh thổ Israel (Ảnh: ISNA).

Trong nhiều thập niên, chiến lược quân sự của Iran chủ yếu tập trung vào nỗ lực răn đe, thúc đẩy việc phát triển tên lửa chính xác tầm xa, máy bay không người lái cũng như phòng không. Iran đã xây dựng một đội xuồng cao tốc đông đảo, một số tàu ngầm nhỏ có khả năng làm gián đoạn hoạt động vận tải và nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đi qua Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz.

Iran không có ý định che giấu sự gia tăng về vũ khí, sẵn sàng phô trương trong các cuộc duyệt binh, thậm chí có tham vọng xây dựng một doanh nghiệp xuất khẩu máy bay không người lái lớn.

Các căn cứ, cơ sở lưu trữ của Iran được phân bổ rộng rãi, nằm sâu dưới lòng đất, được củng cố bằng hệ thống phòng không, khiến chúng khó bị phá hủy bằng các cuộc không kích.

Theo Afshon Ostovar, chuyên gia về quân đội Iran, Tehran sở hữu một trong những kho vũ khí tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái (UAV) lớn nhất ở Trung Đông, bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, cũng như tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 2.000km. Những hỏa tiễn này có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Trung Đông, bao gồm cả Israel.

Theo thông tin do các chuyên gia, chỉ huy Iran cung cấp, trong những năm gần đây, Tehran đã sở hữu một kho máy bay không người lái khổng lồ với tầm hoạt động khoảng 1.900 đến 2.500km, có khả năng bay thấp để tránh radar.

Vào tháng 8 năm ngoái, Iran tuyên bố chế tạo một máy bay không người lái tiên tiến có tên gọi Mohajer-10 với tầm hoạt động 2.000kmm có khả năng bay tới 24 giờ với trọng tải lên tới 300kg.

Truyền thông Iran cho biết, nước này hiện sở hữu 9 loại tên lửa có tầm bắn đủ vươn tới lãnh thổ Israel.

Hãng tin ISNA đăng tải hình ảnh cho thấy các loại tên lửa đạn đạo có khả năng này của Iran gồm Sejjil, Khaibar, Emad, Shahab-3, Ghadr, Paveh, Fattah-2, Kheibar Shekan và Haj Qasem.

Các vũ khí này có vận tốc từ Mach 5 đến Mach 14 (từ gần 6.200km/h đến hơn 17.000km/h).

Sejil có khả năng bay với tốc độ hơn 17.000km/h, tầm bắn 2.500km, trong khi Kheibar và Haj Qasem lần lượt có thể vươn tới mục tiêu ở cự ly 2.000km và 1.400km.

Iran cho biết tên lửa đạn đạo của nước này là hệ thống vũ khí răn đe cũng như trả đũa quan trọng chống lại Mỹ, Israel cũng như các mục tiêu tiềm tàng khác trong khu vực.

IRNA đưa tin, tháng 6 năm ngoái, Iran đã trình làng vũ khí mà giới chức nước này mô tả là tên lửa đạn đạo siêu vượt âm đầu tiên được sản xuất trong nước. Nó có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh ít nhất 5 lần với quỹ đạo phức tạp, khiến rất khó bị đánh chặn.

Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho biết tên lửa đạn đạo tầm ngắn - tầm trung của Iran bao gồm: Shahab-1 với tầm bắn ước tính 300km; Zolfaghar với tầm bắn 700km; Shahab-3 với tầm bắn 800-1.000km; Emad-1, đang được phát triển với tầm bắn lên tới 2.000km và Sejil, đang được phát triển, với tầm bắn 1.500-2.500km.

Iran cũng có các tên lửa hành trình như Kh-55, một loại vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân phóng từ trên không với tầm bắn lên tới 3.000km và tên lửa chống hạm tiên tiến Khalid Farzh với tầm bắn khoảng 300km, có khả năng mang đầu đạn nặng 1.000kg.

Iran vận hành nhiều tổ hợp phòng thủ tên lửa do nước này tự phát triển, sử dụng nhiều loại đạn khác nhau để tạo nên những lớp phòng thủ phía sau các hệ thống tầm xa nhất.

Nhiều hệ thống phòng thủ tầm trung, bao gồm Arman, Strategic Sayyad hay Khordad-15 có thể bảo vệ không phận Iran khỏi các mục tiêu ở phạm vi lên tới 200km ở các độ cao khác nhau.

Ngoài ra, đối phương cũng phải đối mặt với các khẩu đội hỏa tiễn tầm ngắn của Iran, bao gồm Azarakhsh, Majid cũng như Zoubin.

Theo New York Times, Sputnik, Aljazeera