1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khi cái chết ngày càng trở nên “đắt đỏ” ở Trung Quốc

(Dân trí) - Tình trạng thiếu không gian đặt tro cốt ở các thành phố lớn và dân số ngày càng già hóa là những nguyên nhân khiến chi phí an táng ở Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ. Do đó, Trung Quốc đã phải ban hành quy định nhằm hạn chế diện tích của mỗi ô đựng tro cốt người chết.

Một nghĩa trang ở Trung Quốc có các hốc đựng hũ tro cốt và bia mộ bên ngoài (Ảnh: SCMP)
Một nghĩa trang ở Trung Quốc có các hốc đựng hũ tro cốt và bia mộ bên ngoài (Ảnh: SCMP)

Theo SCMP, chi phí mai táng ở Trung Quốc đang trong tình trạng tăng phi mã. Thậm chí tại một số thành phố lớn, tốc độ tăng giá không gian đặt tro cốt còn cao hơn cả tốc độ tăng giá bất động sản và nhà đất.

Nguyên nhân chính được đưa ra đó là do mật độ dân số ở các thành phố lớn ngày càng dày đặc, thêm vào đó dân số già hóa nhanh chóng cũng đẩy nhu cầu tìm nơi yên nghỉ cuối cùng lên cao, khiến khoản chi phí này cũng tăng nhanh chóng.

Theo SCMP, tại các thành phố lớn, người chết thường được hỏa thiêu và sau đó các hũ tro cốt của họ sẽ được đặt trong các hốc riêng ở khu vực nghĩa trang.

Tại thành phố phát triển như Thượng Hải, chi phí trung bình để mua một hốc làm nơi an nghỉ cuối cùng tăng 40% so với đầu năm 2015, tương đương 14.556 USD/hốc. Trong khi đó, giá nhà đất trung bình ở 70 thành phố Trung Quốc chỉ tăng 23% trong cùng khoảng thời gian này.

Tính tới năm 2015, khoảng 80% các nghĩa trang ở Thượng Hải đã hết chỗ và chỉ còn 10 nghĩa trang còn các hốc để bán cho những người có nhu cầu. Quỹ đất rộng hơn 100 héc-ta để dành cho xây dựng nghĩa trang dự kiến sẽ được sử dụng hết cho 20 năm tới.

Giáo sư Qiao Kuanyuan của trường đại học Khoa học và Kỹ thuật Thượng Hải, cho biết chính quyền cần phải ban hành luật mới để tận dụng tốt hơn quỹ đất giới hạn hiện tại.

“Đây là một vấn đề xã hội lớn và chính phủ phải thật cẩn thận trong việc vạch ra kế hoạch nhằm đảm bảo toàn bộ những người chết có thể có nơi yên nghỉ”, giáo sư Qiao nói.

Tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, mức giá trung bình cho 1 hốc là 4.367 USD trong khi ở Bắc Kinh con số này là gấp đôi.

Các gia đình Trung Quốc thường có xu hướng coi những hốc đặt tro cốt như một ngôi đền, nơi họ đặt di ảnh của người đã khuất, hoa để lưu giữ những kí ức.

Một số hốc “cao cấp” chứa nhiều hơn một hũ đựng tro cốt rộng vài m2 có giá trung bình vào khoảng 72.791 USD.

Chính phủ vào cuộc


Một cô gái tới thăm nghĩa trang ở Dagantangcun, Thông Châu, Bắc Kinh (Ảnh: AFP)

Một cô gái tới thăm nghĩa trang ở Dagantangcun, Thông Châu, Bắc Kinh (Ảnh: AFP)

Hồi đầu tháng 9, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã công bố một dự luật mới, trong đó điều chỉnh các quy định về tang lễ, giảm diện tích tối đa của một hốc xuống 0,5 m2. Hiện thời, một hốc trung bình có diện tích từ 0,5 tới 1 m2. Việc giảm diện tích các hốc trong nghĩa trang góp phần giúp việc tăng số lượng các hốc lên, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dân, cũng như làm giảm bớt giá thành của những hốc này.

Trung Quốc có quy định rất chặt chẽ về việc an táng. Theo đó, các thành viên gia đình chỉ có thể mua một hốc từ một công ty quản lý nghĩa trang được cấp phép. Việc mua trước khu vực an táng cho người còn sống bị cấm, cũng như hoạt động sang nhượng nơi an nghỉ cuối cùng từ người này cho người khác cũng bị quản lý gắt gao.

Tuy nhiên, luật pháp hiện tại không có các điều khoản để ngăn cản các nhà quản lý “chui”, không được cấp phép, xây dựng các khu nghĩa trang trái phép để trục lợi từ thân nhân của người chết.

Ngoài ra, biện pháp của chính phủ Trung Quốc cũng có phản ứng trái chiều. Một số nhà phân tích tin rằng việc thu gọn diện tích các hốc là không đủ để xử lý vấn đề thiếu đất an táng về mặt lâu dài. Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc nên cân nhắc tới các biện pháp khác có tính bền vững hơn.

Tại Trung Quốc, hình thức địa táng chỉ được phép áp dụng ở những khu vực được chỉ định sẵn, như khu vực nông thôn không có cơ sở hỏa táng. Biện pháp an táng được người lớn tuổi Trung Quốc lựa chọn nhiều nhất vẫn là hỏa táng và mang tro cốt đặt vào các hốc trong nghĩa trang.

Hiện chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc biện pháp mai táng trên biển (hải táng) cũng như xây các khu nhà đựng tro cốt nhiều tầng trong các nghĩa trang để giải quyết vấn đề khủng hoảng đất đai.

Tính đến cuối năm 2017, Trung Quốc có 241 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 17,3% tổng dân số. Năm ngoái, có 9,86 triệu người qua đời, tăng 0,9% so với năm 2016.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm