1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Khẩu chiến" Mỹ - Trung có thể khơi mào xung đột ở Biển Đông

(Dân trí) - Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc khiến giới chuyên gia quan ngại rằng một tính toán sai lầm có thể thổi bùng căng thẳng quân sự giữa 2 nước, nhất là tại khu vực Biển Đông.

Khẩu chiến Mỹ - Trung có thể khơi mào xung đột ở Biển Đông - 1

Tàu chiến Mỹ làm nhiệm vụ trên Biển Đông (Ảnh minh họa: AFP)

Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng trên hàng loạt các “mặt trận” từ cách ứng phó với dịch Covid-19, cuộc thương chiến, đến vấn đề Hong Kong. Bloomberg cho rằng, đây là thời điểm nhạy cảm và có thể xảy ra rủi ro dẫn tới xung đột về mặt quân sự.

Đây là một kịch bản u ám cho cả hai bên và chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một trong hai bên mong muốn điều này xảy ra. Tuy nhiên, trong thời điểm mà căng thẳng giữa 2 nước đang leo thang dồn dập, bất cứ sơ xuất nào cũng có thể dẫn tới những hậu quả không thể lường trước.

Bloomberg cho rằng, Biển Đông được xem là một trong những khu vực ẩn chứa nhiều rủi ro nhất có thể châm ngòi cho cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh các tàu chiến và máy bay chiến đấu của 2 nước ngày càng xuất hiện với mật độ cao và gần nhau tại khu vực.

Trong 4 tháng đầu năm nay, hải quân Mỹ đã tổ chức 4 cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo giới quan sát, con số này được cho là sẽ vượt qua mốc 8 vào năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc, sau khi có dấu hiệu kiểm soát được dịch Covid-19, đang bắt đầu một số hoạt động quân sự ở khu vực.

Theo Bloomberg, quân đội 2 nước dường như đang trong một màn “mèo vờn chuột” rủi ro tại Biển Đông, trong bối cảnh khí tài quân sự của 2 bên từng có những vụ suýt va chạm nhau trên khu vực “điểm nóng” này.

Đây là thời điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 11, trong khi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 26/5 lại cảnh báo quân đội tăng sẵn sàng chiến đấu. Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng Biển Đông có khả năng trở thành nơi đụng độ giữa 2 quốc gia này khi có sự cố ngoài ý muốn nào đó xảy ra.

Ông Collin Koh Swee Lean, từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore cho rằng: “Mặc dù kịch bản của một cuộc đụng độ vũ trang giữa 2 nước là vẫn khá xa, nhưng khí tài quân sự của Mỹ và Trung Quốc hiện có dấu hiệu hoạt động thường xuyên và có cường độ cao hơn trong cùng một khu vực. Điều này có thể gây ra những rủi ro về việc tính toán hoặc đánh giá sai lầm và có thể nảy sinh kịch bản vô tình leo thang về mặt quân sự”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông đã có từ nhiều năm qua. Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền phi lý đối với phần lớn diện tích Biển Đông, không được pháp luật và cộng đồng quốc tế công nhận.

Mỹ mặc dù không tuyên bố chủ quyền tại khu vực giàu tài nguyên này nhưng khẳng định thực hiện hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không theo đúng luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Mỹ cũng phản đối Trung Quốc thực hiện các hành vi bồi đắp phi pháp, quân sự hóa trái phép khu vực Biển Đông.  

Hồi tháng 12/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã nói về ý định của ông trong việc ưu tiên triển khai lực lượng Mỹ từ khu vực khác tới châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.

Mỹ gửi tín hiệu cứng rắn

Tuần trước, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Nam Á Reed Werner đã cáo buộc Trung Quốc có hành vi “quấy rối” tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Mustin khi tàu này tuần tra Biển Đông. Ông Werner cũng viện dẫn ít nhất 9 ví dụ máy bay chiến đấu Trung Quốc có hành động tương tự với máy bay do thám của Mỹ.

Mỹ gần đây cũng đã điều tàu chiến tới gần khu vực xảy ra căng thẳng giữa tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia và các tàu Trung Quốc.

Phó đô đốc Hạm đội 7 Bill Merz hồi giữa tháng cho biết Mỹ đã thực hiện một số động thái nhằm ủng hộ “các đồng minh và đối tác “trong việc thực hiện lợi ích kinh tế hợp pháp của họ”.

“Mỹ rõ ràng đang gửi tín hiệu”, chuyên gia Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), nhận định.

Gần đây, Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-1B tới làm nhiệm vụ ở Biển Đông và chuyển sang phương thức hoạt động “không thể dự đoán trước”.

“Tôi nghĩ một phần trong động thái của Mỹ là để đảm bảo Trung Quốc không tính toán sai lầm và cho rằng Mỹ không có sự chuẩn bị. Nhưng tôi cũng nghĩ, Mỹ làm như vậy để đáp trả sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc ở khu vực”, bà Glaser nhận định.

Có nhiều cơ chế nhằm tránh xung đột giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc, ví dụ như Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES). Hai bên vẫn đang áp dụng quy tắc này, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, CUES không áp dụng cho lực lượng tuần duyên hoặc lực lượng dân quân biển mà Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông.

Trong quá khứ, Mỹ và Trung Quốc từng xảy ra các sự cố. Năm 2001, máy bay chiến đấu Trung Quốc va chạm với máy bay do thám của Mỹ ở không phận quốc tế khiến máy bay của Bắc Kinh bị rơi còn máy bay Mỹ phải hạ cánh xuống Trung Quốc.

Năm 2016, một tàu hải quân Trung Quốc từng tịch thu một thiết bị không người lái dùng để nghiên cứu dưới nước của Mỹ, động thái khiến ông Trump cáo buộc Bắc Kinh “đánh cắp”.

“Tôi khá lo lắng về tình hình hiện tại. Quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi nhiều và hai bên đều có những quan chức có quan điểm cứng rắn thúc đẩy. Không nghi ngờ gì nữa, một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa 2 bên đang leo thang và bây giờ mọi người quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu nóng”, chuyên gia Zheng Yongnian của viện Đông Á thuộc đại học quốc gia Singapore, nhận định.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg