1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cựu Đô đốc Mỹ chỉ trích Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”

(Dân trí) - Cựu Đô đốc Mỹ cho rằng Trung Quốc đã có những tuyên bố chủ quyền sai trái đối với phần lớn diện tích Biển Đông và tham vọng biến vùng biển này thành ao nhà.

Cựu Đô đốc Mỹ chỉ trích Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” - 1

Cựu Đô đốc James Stavridis (Ảnh: BI)

Trong bài viết trên Bloomberg với tiêu đề “Một cuộc Chiến tranh Lạnh đang nóng lên ở Biển Đông”, Đô đốc về hưu James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh NATO, cho biết ông dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp đi biển của mình ở Thái Bình Dương và từng nhiều lần đi qua Biển Đông. Ông James nói rằng “dưới đáy biển Đông là mỏ dầu cũng như khí tự nhiên” và “gần 40% hoạt động vận tải quốc tế đi qua vùng biển này”.

“Trung Quốc đã có những tuyên bố chủ quyền sai trái đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên xấu đi do hai nước liên tục công kích lẫn nhau vì đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh năm bầu cử tại Mỹ, khả năng xảy ra xung đột tại Biển Đông ngày càng gia tăng”, cựu Đô đốc Mỹ nhận định.

Theo cựu Đô đốc James Stavridis, hiệu trưởng danh dự Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, trong những tuần gần đây, một số tàu chiến Mỹ, gồm USS Barry - tàu khu trục ông từng chỉ huy trong đầu thập niên 1990, đã đối đầu với các tàu Trung Quốc trong lúc tiến hành tuần tra.

Tại sao Biển Đông trở thành một điểm nóng và cần làm gì để tránh xảy ra sự cố có khả năng bùng phát thành xung đột lớn hơn?

Cựu Đô đốc James Stavridis cho biết cơ sở lịch sử để Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bắt nguồn từ các chuyến hải trình của Đô đốc Trịnh Hòa vào thế kỷ 15. James từng viết về đô đốc này trong cuốn sách “Sailing True North” gần đây của ông.

Cựu Đô đốc Mỹ nói rằng mỗi lần ông gặp những người đồng cấp Trung Quốc trong các chuyến thăm cảng, họ đều tôn vinh Đô đốc Trịnh Hòa. Các chuyến thám hiểm của Đô đốc Trịnh Hòa tại Biển Đông, Ấn Độ Dương, cũng như các vùng biển ở châu Phi và Ả rập đều trở thành huyền thoại.

“Nhưng đó không phải là cơ sở pháp lý để Trung Quốc tự nhận toàn bộ Biển Đông là ao nhà của họ. Lập luận này của Trung Quốc đã bị tất cả các quốc gia ven Biển Đông và tòa án quốc tế bác bỏ”, ông James cho biết.

Chạm trán căng thẳng

Theo cựu Đô đốc Mỹ, để đẩy lùi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải, nhằm thể hiện rằng đây là vùng biển quốc tế.

“Các cuộc tuần tra này có thể dẫn đến căng thẳng. Vài chục năm trước, khi tôi còn chỉ huy một nhóm tàu khu trục tại vùng biển này, một số tàu của tôi đã thực hiện các sứ mệnh tương tự. Các sứ mệnh này bao gồm đi qua vùng biển nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, mà ngày nay là khu vực có các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bằng cách triển khai tên lửa, đường băng, súng tầm xa và binh sĩ”, ông James cho biết thêm.

“Trung Quốc thường cho máy bay lượn lờ phía trên các tàu khu trục (của Mỹ). Các máy bay này đôi khi chỉ bay trước mũi tàu Mỹ vài chục mét. Hoặc họ có thể điều các tàu hộ vệ và tàu khu trục để thách thức các tàu chiến Mỹ. Các hoạt động (của Trung Quốc) có thể bao gồm việc ra hiệu và phát tín hiệu đe dọa qua sóng radio, chĩa radar kiểm soát hỏa lực chính xác về phía các tàu của chúng tôi, hướng tên lửa và súng nhằm vào các lực lượng Mỹ và áp sát các tàu Mỹ ở khoảng cách nguy hiểm”, cựu Đô đốc Mỹ hồi tưởng lại.

Khi đối mặt với những tình huống trên, cựu Đô đốc James Stavridis thường yêu cầu chỉ huy của các tàu khu trục Mỹ giữ bình tĩnh, tránh đối đầu không cần thiết và liên tục báo cáo tình hình cho ông, trong khi ông cũng báo cáo cho cấp trên.

“Đó luôn là một trải nghiệm căng thẳng. Tôi và đội ngũ của mình thường thở phào nhẹ nhõm mỗi lần các tàu của chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, ông James cho biết.

Cựu Đô đốc Mỹ chỉ trích Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” - 2

Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đi qua Biển Đông ngày 15/3. (Ảnh: US Navy)

Cựu Đô đốc Mỹ nói rằng trong các cuộc tuần tra gần đây, tàu USS Barry và một tàu khu trục khác, Bunker Hill, đã chạm trán với các tàu Trung Quốc, tuy nhiên các tàu này đều tránh leo thang căng thẳng. Những vụ việc này sẽ tiếp tục “thổi bùng” căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung và có thể sẽ lặp lại thường xuyên hơn trong những năm tới.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 19/5, ông Reed Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á, cho biết đã xảy ra “ít nhất” 9 vụ việc đáng quan ngại liên quan tới các máy bay chiến đấu Trung Quốc và máy bay Mỹ tại vùng trời phía trên Biển Đông kể từ giữa tháng 3. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Business Insider rằng, một số vụ chạm trán giữa các máy bay Mỹ và Trung Quốc diễn ra không an toàn.

Các hành vi khiêu khích của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở trên không. Ông Werner cho biết một tàu hộ tống của Trung Quốc đi cùng nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này đã di chuyển “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” gần tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Hải quân Mỹ tại Biển Đông hồi tháng 4.

"Chìa khóa" của Mỹ

Theo ông James, các tàu chiến Mỹ hiện đã tìm ra cách để cân bằng giữa việc bị các tàu Iran đối đầu và quấy nhiễu tại vùng Vịnh, do vậy các tàu này cũng cần phải làm như vậy ở Biển Đông - nơi Mỹ có nhiều lợi ích hơn.

“Chìa khóa cho Mỹ là dần điều chỉnh hành vi của Trung Quốc mà không phá vỡ mối quan hệ quốc tế theo cách có thể dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh hoặc xung đột vũ trang. Cách tốt nhất cần làm là lôi kéo thêm đồng minh quốc tế vào các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (bao gồm các đối tác NATO cùng Australia và Nhật Bản), tăng cường sự can dự của Mỹ với Đài Loan, đặc biệt về hợp tác quân sự, kiên quyết thực hiện cuộc điều tra quốc tế toàn diện về dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia khác ven Biển Đông”, cựu Đô đốc James Stavridis nhận định.

Cũng theo ông James, những biện pháp “đối đầu” này cần đi kèm với một loạt đề nghị hợp tác với Trung Quốc. Những đề nghị này có thể bao gồm các thỏa thuận thương mại và thuế quan tiếp theo để Trung Quốc có thể tiếp cận thị trường Mỹ, ngoài các biện pháp “giai đoạn 1” đã được đàm phán ngay trước đại dịch Covid-19; hợp tác về các tuyến thương mại Bắc Cực và các tiêu chuẩn về môi trường ở khu vực này - vốn là lĩnh vực mà Bắc Kinh rất quan tâm; tiến hành các hoạt động nhân đạo chung; hợp tác để thiết lập “quy chuẩn hành vi” giữa lực lượng hải quân hai nước (tương tự cách Nga và Mỹ đang làm); khai thác các thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến thuật và chiến lược.

“Về cơ bản, chúng ta sẽ đối đầu nếu buộc phải đối đầu, nhưng vẫn hợp tác nếu có thể hợp tác. (Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger) từng cảnh báo cách đây vài tháng rằng, ông nhận thấy Mỹ và Trung Quốc đang “ở dưới chân đồi của một cuộc Chiến tranh Lạnh”. Mặc dù tôi thích cách ẩn dụ bằng hình ảnh núi đồi của ông ấy, nhưng chúng ta cũng cần nhìn ra phía biển để đánh giá mối quan hệ này sẽ trở nên căng thẳng như thế nào. Dự báo Biển Đông sẽ thực sự dậy sóng”, cựu Đô đốc James Stavridis nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm