Khảo sát: Chỉ 10% người châu Âu nghĩ Ukraine thắng Nga trên chiến trường
(Dân trí) - Khảo sát cho thấy, sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine vẫn còn lớn song không có nghĩa là họ tin Kiev có thể đánh bại Nga về mặt quân sự.
Theo một cuộc khảo sát ở các nước Liên minh châu Âu (EU), người dân khu vực này đã bắt đầu nghĩ đến những giải pháp hòa bình hơn và phần nào đó là thích hợp với tiềm lực quân sự của các bên hơn, ví dụ như ngồi vào bàn đàm phán có lợi cho Kiev.
Đồng tác giả cuộc khảo sát, ông Mark Leonard, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), cho biết: "Để có thể tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cần thay đổi cách họ nhìn nhận cuộc chiến".
Theo khảo sát hồi tháng 1 ở 12 quốc gia thành viên EU, bao gồm Pháp, Đức, Hungary, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển, cho ra kết quả không mấy khả quan. Cuộc phản công của Ukraine đình trệ trong bối cảnh nhà tài trợ số 1 là Nhà Trắng có khả năng sẽ chào đón sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump, người không mấy mặn mà với các cuộc xung đột của NATO.
Tại châu Âu, chỉ 10% số người được hỏi tin rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng trên chiến trường, trong khi con số này là 20% đối với niềm tin dành cho Nga. Ngay cả ở những quốc gia thành viên lạc quan nhất, Ba Lan, Thụy Điển và Bồ Đào Nha, chỉ khoảng 17% tin rằng Kiev có thể giành thắng lợi.
Bên cạnh đó, 37% số người được hỏi kỳ vọng chiến tranh sẽ kết thúc bằng một giải pháp thỏa hiệp. Khi được hỏi liệu châu Âu có nên tiếp tục giúp đỡ Ukraine, tỉ lệ đồng tình lần lượt là 50% ở Thụy Điển, 48% ở Bồ Đào Nha và 47% ở Ba Lan.
Trong khi đó, 64% câu trả lời từ Hungary, 59% từ Hy Lạp, 52% từ Ý và 49% từ Áo cho rằng Kiev nên nhanh chóng chấp nhận một thỏa thuận dàn xếp.
Châu Âu chưa từng từ bỏ cam kết hỗ trợ Kiev, song thực trạng xung đột buộc các nhà lập pháp phải tìm một phương án khác ít tổn thất hơn là tiếp tục đối đầu quân sự với Moscow.
Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử và Washington dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, 41% câu trả lời cho rằng EU nên tăng cường hỗ trợ hoặc ít nhất duy trì ở mức hiện tại, trong khi có 33% muốn liên minh đi theo sự dẫn dắt của Mỹ.
Sau cuộc khảo sát, các chuyên gia lập luận: "Thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ nằm ở 2 điểm quan trọng: cách họ đảm bảo niềm tin ở công chúng khi cuộc xung đột kết thúc và làm thế nào để có thể đối phó Nga".
"Khi châu Âu và Mỹ bước vào mùa bầu cử, nhiệm vụ thiết lập hòa bình sẽ là một chiến trường quan trọng. Các nhà lãnh đạo sẽ cần tìm một hướng tiếp cận mới phù hợp với tình hình hiện tại", báo cáo nêu.