1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tổng thống Putin muốn chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà báo Mỹ Tucker Carlson cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng tiến hành các biện pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Putin muốn chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

"Ông Putin muốn chấm dứt cuộc chiến này. Ông ấy sẽ không cởi mở hơn trong việc đàm phán nếu cuộc chiến này kéo dài lâu hơn", nhà báo Mỹ Tucker Carlson Carlson phát biểu tại một hội nghị ở Dubai hôm 12/2.

Theo ông Carlson, phương Tây cần lưu ý rằng "năng lực công nghiệp của Nga mạnh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ", đồng thời Moscow đang có thời gian sản xuất vũ khí cũng như đạn dược dễ dàng hơn nhiều so với việc các nước NATO cung cấp cho Ukraine.

"Các nhà lãnh đạo của bất kỳ quốc gia nào trên hành tinh, ngoại trừ Mỹ trong thời kỳ đơn cực, đều bị buộc phải thỏa hiệp do tính chất công việc của họ. Đó chính là ngoại giao", ông Carlson nói với đám đông ở Dubai.

Ông Putin đang thực hiện công việc ngoại giao giống như những người khác, nhưng "lập trường của ông ấy đang trở nên cứng rắn hơn", theo nhà báo Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Tucker Carlson đầu tuần trước, Tổng thống Putin cho biết Nga luôn ủng hộ giải pháp đàm phán, ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, điều quan trọng là Kiev và các đối tác phương Tây có chấp nhận hay không.

"Chúng tôi đã chuẩn bị một tài liệu quan trọng (trong cuộc hòa đàm ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022) có chữ ký của trưởng đoàn đàm phán Ukraine... Chúng tôi đã sẵn sàng ký và xung đột có lẽ đã kết thúc từ lâu. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã đến và thuyết phục Ukraine hủy bỏ thỏa thuận", ông Putin nói.

Chủ nhân Điện Kremlin cho rằng Ukraine đã "mắc sai lầm" và "bỏ lỡ cơ hội chấm dứt xung đột.

Tổng thống Putin phát tín hiệu Nga sẵn sàng trở lại thể thức đàm phán như ở Thổ Nhĩ Kỳ, nghĩa là Ukraine phải đáp ứng các điều kiện như đảm bảo trạng thái không liên kết quân sự, hạn chế quy mô quân đội, chấp nhận Crimea và Donbass là một phần của Nga.

Phó thư ký thứ nhất Hội đồng An ninh Nga Rashid Nurgaliyev ngày 12/2 tuyên bố Nga chưa bao giờ phản đối quá trình đàm phán, nhưng giờ đây điều đó là không thể diễn ra do quan điểm của chính quyền Ukraine.

"Ngày nay, những tiếng nói ủng hộ một giải pháp chính trị hòa bình ở Ukraine, thậm chí phải trả giá bằng việc mất một phần lãnh thổ, ngày càng lớn hơn. Nga chưa bao giờ phản đối việc nối lại quá trình đàm phán. Nhưng thật không may, bây giờ điều này không thể diễn ra do lập trường của chính quyền Kiev và cá nhân Tổng thống (Ukraine) Volodymyr Zelensky, người đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với đất nước chúng tôi", ông Nurgaliyev nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ông chỉ ra rằng "xung đột chưa bao giờ hạ nhiệt, trái lại, trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, xung đột còn leo thang hơn".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Nga Pavel Zarubin được công bố hôm 11/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng nếu Nga và Ukraine thực sự quay trở lại thương lượng, các cuộc trao đổi sẽ không còn giống những cuộc đàm phán được tổ chức khi cuộc xung đột vừa mới nổ ra.

"Nếu chúng ta bắt đầu các cuộc đàm phán tương tự thì hiện tại sẽ có một thực tế hoàn toàn khác. Và thực tế mới này, dù có đau đớn thế nào với chính quyền Kiev, cũng phải được thừa nhận", người phát ngôn nhấn mạnh.

Ông Peskov không nói cụ thể nhưng RT cho rằng ông dường như đề cập đến việc Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là Zaporozhia, Kherson, Donetsk và Lugansk vào cuối năm 2022.

Theo RT, Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm