Kẻ thắng, người thua thực sự ở Syria là ai?
Bất chấp những diễn biến mới, có 1 thực tế vẫn không thay đổi: Đó là tương lai Syria đang phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài hơn là chính nước này.
Nga “tố” Mỹ “nói một đằng, làm một nẻo” ở Syria
Phát biểu tại cuộc mít tinh ở Mississippi hồi tháng 9, Tổng thống Trump khẳng định ông muốn quân đội Mỹ trở về nước song thực tế là Mỹ vẫn hiện diện ở Syria để bảo vệ dầu mỏ. "Tôi thích dầu mỏ", Tổng thống Trump tuyên bố như vậy khi nhắc đến những mỏ dầu ở phía bắc Syria mà gần đây đang do lực lượng người Kurd kiểm soát. Vì những mỏ dầu này, nhà lãnh đạo Mỹ quyết định điều chỉnh thông báo ban đầu của mình, thay vì rút toàn bộ quân Mỹ về nước thì sẽ giữ lại một lực lượng nhất định tại quốc gia Trung Đông này.
Nga không hài lòng khi Mỹ "nói một đằng, làm một nẻo", đồng thời cáo buộc hành động của Washington ở Syria là bất hợp Pháp. Moscow tốWashington "lấy trộm" 30 - 40 triệu USD/tháng từ những mỏ dầu ở Syria - số tiền mà đáng lẽ ra phải thuộc về chính phủ Tổng thống Assad. Bất chấp những cáo buộc của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mike Esper cảnh báo Moscow và Damascus không được đến gần các mỏ dầu ở phía bắc Syria.
Các nhà phân tích thì cho rằng thực tế là Mỹ không cần số dầu này bởi nước này có thể tự sản xuất đủ lượng dầu cần thiết. Việc Mỹ đưa quân đến bảo vệ các mỏ dầu ở Deir El-Zor và al-Hasakah chỉ là cái cớ để Washington duy trì một lực lượng quân đội ở Syria. Động thái này cũng là cách để Tổng thống Trump xoa dịu những chỉ trích trước đó về quyết định rút quân khỏi Syria của ông.
Tổng thống Trump cũng thông báo rằng ông đang cân nhắc đến việc ký kết một thỏa thuận với ExxonMobil và cho phép tập đoàn này khai thác các mỏ dầu trên. Liệu ExxonMobil có hứng thú với hợp đồng dầu mỏ ở một quốc gia vẫn đang hỗn loạn vì chiến tranh như Syria hay không thì vẫn chưa biết nhưng rõ ràng điều đó tiết lộ một nguyên nhân nữa giải thích vì sao Mỹ "nằng nặc" đòi quản lý các mỏ dầu này. Thực tế là nhờ đó, Washington có thể tiếp tục hỗ trợ cho các đồng minh người Kurd mà không ảnh hưởng gì đến "két tiền" của mình.
Ai mới là kẻ thắng, người thua thực sự ở Syria?
Đối với chính phủ Syria, việc Mỹ kiểm soát các mỏ dầu trên là một "cú đánh mạnh" vào kinh tế. Mặc dù Syria từng sở hữu một lượng đáng kể dầu mỏ nhưng nguồn doanh thu từ đó vẫn không thể nào sánh được với các quốc gia trong khu vực như Iraq hay Saudi Arabia. Sau nhiều năm nội chiến, ngành dầu mỏ Syria lại càng thêm sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng. Các số liệu chính thức từ chính phủ nước này cho thấy, lượng dầu đỉnh điểm mà Syria sản xuất được là vào năm 1966 với 600.000 thùng/ngày. Kể từ đó trở đi, số lượng này liên tục giảm khi chỉ đạt 3 triệu thùng năm 2010 và sản lượng ở các mỏ dầu phía bắc Syria đã không còn được tính vào nguồn thu của chính phủ nữa khi IS kiểm soát các mỏ dầu này để phục vụ các nhu cầu của chúng.
Hiện nay, việc không thể tiếp cận với những mỏ dầu ở phía bắc là một tổn thất lớn với chính phủ Tổng thống Assad giữa bối cảnh Syria đang cần một số tiền khổng lồ để tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, Nga - Thổ ký kết thỏa thuận dàn xếp tình hình ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, một số nhà quan sát cho rằng chiến thắng thuộc về Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Tổng thống Assad bởi các lực lượng này đã giành được ưu thế và ảnh hưởng trước Mỹ trên thực địa. Trong khi đó, người Kurd bị cho là bên yếu thế hơn khi phải tuân thủ những điều khoản trong thỏa thuận giữa Ankara và Moscow, trong đó có việc rút quân vào sâu lãnh thổ Syria 30km kể từ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Bề ngoài thì có vẻ cục diện ở Syria đang diễn ra như vậy nhưng thực chất thì đồng minh người Kurd của Mỹ cũng không hẳn đã nhận thất bại cay đắng.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo hiện vẫn kiểm soát nhiều khu vực ở đông bắc Syria và gần như tất cả nguồn tài nguyên ở khu vực này, bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt. Người Kurd cũng được cho là phải rút sâu vào lãnh thổ Syria dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ngoại trừ một dải đất trải dài 120 km ở giữa do các lực lượng ủy nhiệm của Ankara kiểm soát thì phe người Kurd vẫn nắm trong tay phần lãnh thổ còn lại.
Michael Kofman - một chuyên gia về quân sự Nga trên CNA nhận định: Mặc dù Tổng thống Assad khẳng định sẽ giành lại "từng tấc đất" ở Syria nhưng nhà lãnh đạo này thiếu lực lượng để làm việc đó. Nga đã triển khai vài trăm binh lính hỗ trợ tuần tra ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ song khu vực này quá dài để các lực lượng của Moscow giám sát toàn bộ.
"Đó thực sự là một gánh nặng nữa dồn lên vai họ", ông Kofman cho biết.
Động cơ sâu xa của Mỹ
Mỹ chỉ đơn giản là thay đổi nơi hiện diện ở Syria chứ không hề thay đổi mục đích của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Esper cho biết đánh bại IS vẫn là một mục tiêu của Mỹ trong khi Tổng thống Trump bổ sung thêm một nhiệm vụ nữa là "bảo vệ dầu mỏ" ở đông bắc Syria. Các mỏ dầu này đã và vẫn nằm dưới sự kiểm soát của SDF.
Tự phong cho mình sứ mệnh "bảo vệ dầu mỏ" Syria, Mỹ đang cố gắng tạo cho mình một vị thế để đưa ra các yêu cầu nếu có bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai quyết định vận mệnh Syria.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết nhiệm vụ của Mỹ ở Syria tập trung vào 2 việc: Ngăn cản IS giành lại các mỏ dầu và giúp SDF duy trì nguồn tài chính từ các mỏ dầu này để tiếp tục cuộc chiến đánh bại IS.
Từ trên thực địa, động cơ sâu xa của Mỹ còn là ngăn cản kế hoạch của chính phủ Tổng thống Assad giành lại phần lãnh thổ phía đông, đồng thời tránh để Iran thực hiện được nỗ lực hoàn thành một hành lang trên đất liền đi qua Iraq, Syria và Lebanon. Nếu Iran tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và phát triển các loại vũ khí hiện đại, Israel - đồng minh của Mỹ sẽ bị đe dọa.
Hassan Hassan, một chuyên gia về Syria tại think tank Global Policy ở Washington nhận định "nhiệm vụ mới của Mỹ là một sự điều chỉnh kế hoạch trước đó, tập trung vào Iran và chính phủ Syria".
Bất chấp những diễn biến mới, có một thực tế vẫn không thay đổi: Đó là tương lai Syria đang phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài hơn là bản thân quốc gia này. Và không minh chứng nào rõ ràng hơn ngoài sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ký kết với nhau một thỏa thuận về Syria hồi tháng 10/2019 mà không có sự hiện diện chính thức của bất kỳ quan chức nào từ phía Syria.
Trên thực tế, những nút thắt trong quan hệ giữa các lực lượng ở Syria vẫn chưa được tháo gỡ và chừng nào mà các bên chưa tìm được một giải pháp thống nhất thì tình trạng chia cắt cũng như những căng thẳng ở quốc gia Trung Đông này vẫn còn tồn tại. Cuộc chiến ấy có thể không phải là một cuộc giao tranh trực diện dữ dội nhưng sẽ là một cuộc chiến ngầm dai dẳng không hồi kết.
Theo Kiều Anh
VOV