1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rút rồi lại triển khai, rốt cuộc Mỹ có bao nhiêu quân ở Syria?

Cam kết “chấm dứt cuộc chiến không hồi kết” ở Trung Đông mà ông Trump nhắc đi nhắc lại sẽ khó thành hiện thực.

Ngày 31-10, một số lượng binh sĩ và xe bọc thép Mỹ kéo vào Syria trong một chiến dịch mà theo Mỹ nói là để bảo vệ các mỏ dầu khỏi nguy cơ rơi vào tay các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), báo USA Today dẫn thông tin từ một quan chức Mỹ.

Theo lời quan chức này, hàng chục binh sĩ và hơn 10 chiếc xe bọc thép Bradley đã di chuyển vào đông bắc Syria. Một số quay lại các căn cứ mà họ vừa rời đi một tuần trước đó.

Đông bắc Syria là nơi giàu tài nguyên dầu mỏ của Syria và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ không để nguồn tài nguyên này rơi vào tay IS.

"Chúng tôi đã rút ra. Nhưng chúng tôi sẽ để lại một số lượng binh sĩ để bảo vệ các mỏ dầu. Tôi muốn đưa các binh sĩ của chúng ta về nhà nhưng tôi cũng muốn bảo vệ nguồn dầu” - ông Trump nói ngày 27-10, sau khi thông báo Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Rút rồi lại triển khai, rốt cuộc Mỹ có bao nhiêu quân ở Syria? - 1

Binh sĩ và xe bọc thép Mỹ tại tỉnh Deir ez Zor (đông bắc Syria). Ảnh: TWITTER

Theo một cựu quan chức quân đội Mỹ cấp cao, giá trị ẩn sau của sự hiện diện tại Syria còn cao hơn sứ mệnh bảo vệ các mỏ dầu, mà là duy trì quan hệ trên thực địa với tổ chức Các lực lượng dân chủ Syria mà thành viên chính là lực lượng dân quân người Kurd (YPG) - đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

“Giữ cờ bay ở khu vực này là điều quan trọng để người Kurd biết chúng tôi không hoàn toàn rời khỏi họ” - cựu quan chức này nói.

Rút rồi lại triển khai, rốt cuộc Mỹ có bao nhiêu quân ở Syria? - 2

Binh sĩ và xe bọc thép Mỹ tại tỉnh Deir ez Zor (đông bắc Syria). Ảnh: TWITTER

Nói với báo chí ngày 30-10, tướng Frank McKenzie - Chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Trung của Mỹ cho biết lực lượng Mỹ ở Deir ez-Zor sẽ đóng quân ở hai địa điểm Conoco và Green Village cách nhau 40 km.

Tuy nhiên, tướng McKenzie không cho biết cụ thể quy mô số quân Mỹ sẽ đưa lại sang Syria sẽ là bao nhiêu, chỉ nói “sẽ chờ thêm quyết định của chính phủ Mỹ xem kế hoạch này về dài hạn sẽ như thế nào”.

Nhiều cựu lãnh đạo quân đội nhận định công việc này có thể phải cần tới quy mô một tiểu đoàn hoặc vài trăm quân.

“Tôi nghĩ sẽ phải cần đến khoảng vài trăm quân, ít nhất từ 300 đến 400… tùy thuộc vào bao nhiêu vị trí mà họ phải bảo vệ” - tướng lục quân về hưu Dana Pittard từng là chỉ huy cấp cao quân đội Mỹ tại Iraq giai đoạn đánh IS những năm 2014-2015 nhận định.

Ngoài số quân sẽ triển khai mới này, Mỹ hiện còn có 200 quân tại căn cứ al-Tanf ở đông nam Syria. Như vậy, theo tướng lục quân về hưu Jack Keane từng tham gia cố vấn chính phủ Trump về các vấn đề an ninh quốc gia, tổng số quân Mỹ sẽ hiện diện ở Syria sẽ nằm khoảng 600.

Rút rồi lại triển khai, rốt cuộc Mỹ có bao nhiêu quân ở Syria? - 3

Binh sĩ và xe bọc thép Mỹ tại tỉnh Deir ez Zor (đông bắc Syria). Ảnh: TWITTER

Điều này có nghĩa số quân mới có khả năng sẽ vượt qua số 500 quân Mỹ đã hiện diện ở Syria thời điểm tháng 1-2017 - lúc ông Trump mới nhậm chức. Thời điểm cuối năm 2017 số quân Mỹ ở Syria tăng lên 2.000, theo tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tháng 12-2018, ông Trump ra lệnh rút hết toàn bộ 2.000 binh sĩ ở Syria vốn làm nhiệm vụ cố vấn và chiến đấu bên cạnh lực lượng dân quân người Kurd đánh IS. Quyết định này khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis bất mãn và từ chức. Sau đó, ông Trump chịu thua áp lực của Quốc hội, phải giữ lại 1.000 quân ở Syria.

Ngày 6-10, ông Trump lệnh rút 1.000 quân này khỏi Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình đánh vào đông bắc Syria, nhắm vào lực lượng dân quân người Kurd. Quốc hội Mỹ một lần nữa báo động, nhiều nghị sĩ Mỹ gọi đây là hành động phản bội khi lực lượng dân quân người Kurd là đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến đánh IS. Hơn nữa việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ làm lợi cho Nga và Iran.

Theo báo Politico, với việc Mỹ triển khai quân quay lại Syria đồng nghĩa số quân Mỹ hiện diện ở Syria tới đây có khả năng sẽ còn nhiều hơn hồi ông Trump mới nhậm chức, tức cam kết “chấm dứt cuộc chiến không hồi kết” ở Trung Đông mà ông Trump nhắc đi nhắc lại sẽ khó thành hiện thực.

Theo Đăng Khoa

Pháp luật TP.HCM