1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Italy: Hàng nghìn lá phiếu được kiểm lại

Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Italy, hiện 43.000 lá phiếu bầu hạ nghị sĩ đang được kiểm lại, chủ yếu là các lá phiếu đánh dấu không rõ ràng, rách nát hoặc có vấn đề khác. 39.000 lá phiếu ở Thượng viện cũng đồng thời được kiểm tra.

Italy sau cuộc tổng tuyển cử đầy tranh cãi với thắng lợi sát nút nhau giữa hai đối thủ đang có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị khi mà phe thua là đương kim Thủ tướng Silvio Berlusconi không chấp nhận kết quả kiểm phiếu. Các đồng minh thân cận của ông Silvio Berlusconi cũng bị chia rẽ bởi lời cáo buộc đối thủ Romano Prodi gian lận bầu cử.

 

Theo kết quả chính thức trước đó, liên minh trung tả của Romano Prodi chiếm đa số ở cả hai viện Quốc hội, chênh lệch giữa hai bên ở Hạ viện là 25.000 phiếu. Còn ở Thượng viện, phe của Thủ tướng Silvio Berlusconi chỉ thua đối thủ có 2 ghế.

 

Điều đáng nói là quyền lực ở cả Hạ viện và Thượng viện Italy đều như nhau. Trong khi đó, việc Chính phủ Anh và Đức cùng đồng ý công nhận chiến thắng của Romano Prodi càng khiến cho ông Silvio Berlusconi trở nên yếu thế.

 

Vẫn lập luận rằng chiến thắng của liên minh trung tả không mấy thuyết phục, đương kim Thủ tướng Italy cuối cùng đã thành công khi các phe phái chấp nhận phương án kiểm lại phiếu bầu của 60.000 địa điểm bỏ phiếu vào tối 13/4. Hiện 43.000 lá phiếu bầu hạ nghị sĩ đang được kiểm lại, chủ yếu là các lá phiếu đánh dấu không rõ ràng, rách nát hoặc có vấn đề khác. 39.000 lá phiếu ở Thượng viện cũng đồng thời được kiểm tra.

 

Một cuộc chiến ngấm ngầm giữa Silvio Berlusconi và Romano Prodi đã nảy sinh. Trong khi người chiến thắng Romano Prodi "cao giọng" đề nghị đương kim Thủ tướng nên “về vườn” sau thất bại của mình thì ông Silvio Berlusconi cũng chẳng vừa mà tìm gặp ngay Tổng thống Carlo Azeglio Ciampi yêu cầu kiểm lại 1 triệu phiếu bị cho là không hợp lý. Nhưng nước cờ của Silvio Berlusconi có vẻ không hợp lý vì nhiều khả năng Tổng thống sẽ không chấp nhận.

 

Thừa thắng tiến lên, Romano Prodi bắt đầu xúc tiến công việc thành lập tân chính phủ mặc cho các bộ trưởng của chính quyền thời Thủ tướng Silvio Berlusconi phản đối dưới nhiều phương thức khác nhau.

 

Tuy nhiên, để chắc chắn hơn cho chiếc ghế Thủ tướng của mình, Romano Prodi cần phải có sự ủng hộ của 7 nhà lập pháp trong nhóm thượng nghị sĩ chỉ định, trong đó có một người từng đoạt giải Nobel hòa bình và một cựu Thủ tướng.

 

Còn về vấn đề kiểm lại phiếu, các nhà phân tích cho rằng, cho dù kết quả kiểm phiếu lần II có thế nào thì nó vẫn thể hiện sự mất đoàn kết trong nội bộ Italy và có thể sẽ đẩy nước này vào một cơn khủng hoảng chính trị mới

 

Theo H.C

An ninh thế giới