1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Israel ngày càng mất sự ủng hộ từ phương Tây giữa vòng xoáy xung đột

Quốc Thủy

(Dân trí) - Xu thế giảm ủng hộ đối với Israel đã dấy lên trong xã hội phương Tây kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự kéo dài nhằm đáp trả lực lượng Hamas tại Dải Gaza.

Israel ngày càng mất sự ủng hộ từ phương Tây giữa vòng xoáy xung đột - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Getty).

Trong những năm qua, Israel đẩy mạnh ngoại giao với các nước Ả rập nhằm có thêm bạn bè giữa vòng vây thế giới Ả rập. Tuy nhiên, theo bà Laura Blumenfeld, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học John Hopkins (Mỹ), chỉ có một người bạn đóng vai trò quan trọng đặc biệt với sự tồn vong của nhà nước Do Thái.

"Israel chỉ cần một người bạn để tồn tại là (Tổng thống Mỹ) Joe Biden", bà Blumenfeld nhận định với Dân Trí.

Tuy nhiên, ngay cả "người bạn vĩ đại của Israel" (cụm từ Tổng thống Israel Isaac Herzog nói về ông Biden) dường như cũng dần thay đổi thái độ với nhà nước Do Thái trong những tháng qua. Từ những tuyên bố ủng hộ không điều kiện sau khi Israel bị Hamas tấn công, ông Biden đã chuyển sang chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "sai lầm" trong vấn đề Gaza.

Thay đổi của ông Biden là chỉ dấu cho thấy vấn đề lớn hơn mà Israel phải đối mặt: Sự ủng hộ của phương Tây, bao gồm cả chính phủ lẫn quan điểm của người dân, dành cho Israel liên tục giảm. Đặc biệt, xu hướng này thể hiện rõ trong nhóm người trẻ, đặt ra thách thức đối ngoại với Israel trong tương lai.

Xu hướng đáng quan ngại

Israel ngày càng mất sự ủng hộ từ phương Tây giữa vòng xoáy xung đột - 2

Người dân Brussels (Bỉ) tuần hành ủng hộ Palestine tháng 11/2023 (Ảnh: Reuters).

Khi Israel bị Hamas tấn công bất ngờ đầu tháng 10/2023, phản ứng của phương Tây tương đối mạnh mẽ: Đại đa số quốc gia lên án hành vi của Hamas và bày tỏ sự đoàn kết với Israel.

Tuy nhiên, tình thế thay đổi nhanh chóng sau khi Israel phát động chiến dịch phản công vào Dải Gaza. Khi cuộc chiến càng kéo dài với tổn thất về nhân mạng càng lớn, sự ủng hộ với Israel liên tục giảm sút, trong khi những ý kiến bất bình xuất hiện ngày một nhiều.

"Phản ứng hoàn toàn không tương xứng của Israel đã làm đảo lộn hàng thập niên tồn tại của luật nhân đạo, đe dọa ổn định tại Trung Đông và thế giới", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, người từng ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nói hồi tháng 4.

Tới ngày 22/5, 3 nước châu Âu, gồm Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy, tuyên bố công nhận nhà nước Palestine. Đáng chú ý, Tây Ban Nha và Ireland tự ý hành động mà không thông qua Liên minh châu Âu (EU). Động thái trên ngay lập tức bị Israel phản đối gay gắt.

Bên cạnh phản ứng của chính phủ, kết quả thăm dò dư luận ở hàng loạt quốc gia cũng cho thấy xu hướng xa lánh hơn với Israel. Theo dữ liệu khảo sát tại 43 quốc gia của công ty thăm dò Morning Consult, chỉ trong giai đoạn tháng 9-12/2023, tỷ lệ ủng hộ ròng (tỷ lệ ủng hộ trừ tỷ lệ phản đối) đối với Israel giảm trung bình 18,5%, Time cho biết.

Ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nam Phi và Brazil, quan điểm về Israel đã chuyển từ tích cực sang tiêu cực. Trong khi đó, mức độ tiêu cực ghi nhận ở một số quốc gia khác ngày càng được nới rộng. Tỷ lệ ủng hộ ròng tại Nhật Bản giảm từ -29,9% xuống -62%, tại Hàn Quốc giảm từ -5,5% xuống -47,8%, tại Anh từ -17,1% xuống -29,8%.

Sự ủng hộ của dư luận dành cho Israel không chỉ sụt giảm trong những tháng gần đây mà đã là quá trình kéo dài nhiều năm. Xu hướng này đặc biệt thể hiện rõ đối với thế hệ trẻ: Khảo sát của Gallup đầu năm 2023 cho thấy trong khi những người Mỹ sinh từ năm 1980 trở về trước ủng hộ Israel tương đối rõ ràng, quan điểm của Gen Y và Gen Z (những người sinh từ năm 1980 trở về sau) tương đối cân bằng giữa hai bên.

Ngay cả trong các nhóm cư dân "thân Israel" như các tín đồ Tin Lành phúc âm tại Mỹ, sự phân hóa cũng đã bắt đầu xuất hiện. Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ (CSUS) thuộc Đại học Tel Aviv (Israel), trong giai đoạn 2018-2021, tỷ lệ tín đồ Tin Lành phúc âm dưới 30 tuổi ủng hộ Israel đã giảm mạnh từ 68,9% xuống 33,6%. Ngược lại, tỷ lệ ủng hộ Palestine tăng từ 5% lên gần 25%.

"Thế hệ người Mỹ trẻ theo Tin Lành phúc âm lớn lên trong môi trường thông tin khác hoàn toàn so với cha mẹ và ông bà họ. Các thế hệ cao tuổi hơn chứng kiến những nỗ lực của Israel để có thể tồn tại giữa Trung Đông thù địch. Trong khi đó, đối với thế hệ trẻ, Israel được mô tả như bên gây hấn còn người Palestine là nạn nhân", giáo sư Motti Inbari (Đại học North Carolina, Pembroke) nhận xét, theo bài viết trên trang web của Đại học Tel Aviv.

"Đây là hồi chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách Israel. Trong hàng thập niên qua, các chính phủ Israel - nhất là dưới thời Benjamin Netanyahu - coi nhẹ sự ủng hộ của các tín đồ Tin Lành phúc âm mà quên đi các nhóm khác trong xã hội Mỹ, bao gồm người Mỹ gốc Do Thái", tiến sĩ Yoav Fromer, người đứng đầu CSUS, chia sẻ.

"Giờ đây, khi các tín đồ Tin Lành phúc âm trẻ quay lưng, Israel cần thu hút sự ủng hộ từ các nhóm dân số đang tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ như người gốc Latinh hay gốc Á. Nếu không triển khai nhanh chóng, trong 10-20 năm nữa, sẽ không ai có thể giúp nếu Israel rơi vào tình thế cần Mỹ hỗ trợ khẩn cấp", tiến sĩ Fromer nhận định.

Tia sáng tích cực

Israel ngày càng mất sự ủng hộ từ phương Tây giữa vòng xoáy xung đột - 3

Một cuộc biểu tình ủng hộ Israel tại Đại học Columbia, Mỹ tháng 10/2023 (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Yonatan Freeman, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hebrew Jerusalem (Israel), những tuyên bố chỉ trích của phương Tây không dẫn tới quá nhiều thay đổi về chính sách.

"Dù có vẻ như Israel đang ngày càng hứng chịu nhiều chỉ trích, tôi cho rằng việc Israel có thể tiến hành chiến tranh lâu đến như vậy cho thấy cuộc chiến của họ vẫn được hầu hết cường quốc phương Tây ủng hộ và đồng thuận", ông nói.

"Kim ngạch thương mại vẫn ở mức cao, trong khi quan hệ quốc phòng vẫn tương đối bền chắc. Vấn đề có sự khác biệt là cách thức tiến hành chiến tranh, chứ không phải việc cuộc chiến có nên nổ ra hay không", ông nhận xét thêm.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Freeman, nếu có thêm các vụ việc gây thương vong lớn với dân thường Gaza, cộng đồng quốc tế sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn.

Thực tế đã chứng minh nhận định này. Sau cuộc không kích khiến ít nhất 45 người Palestine thiệt mạng tại một trại tị nạn ở Rafah hôm 26/5, hàng loạt quốc gia lên tiếng chỉ trích và kêu gọi Israel dừng hoạt động quân sự tại Rafah.

Dù vậy, Israel cũng có nhiều lý do để tiếp tục hy vọng. Theo tiến sĩ Freeman, tuy tiếng nói ủng hộ Palestine có xu hướng lan rộng trong thời gian qua, thậm chí áp đảo trên mặt trận truyền thông, nhìn chung dư luận phương Tây vẫn có xu hướng ngả về Israel.

"Vị thế quốc tế là vấn đề quan trọng với Israel: họ sẽ có thêm không gian hành động trong chiến dịch quân sự đang diễn ra tại Gaza. Điều này cũng giúp Israel có thêm sức mạnh ngoại giao trong các tổ chức quốc tế, những cơ quan sẽ thảo luận về hành động của Israel, thậm chí trừng phạt họ", ông nói.

"Hơn nữa, hình ảnh một nước Israel bị cô lập có thể thúc đẩy đối thủ tăng cường các hành vi thù địch. Cuối cùng, đối với đa số người dân Israel, sự cô lập sẽ tăng lòng quyết tâm tiếp tục cuộc chiến và ủng hộ chính quyền đương nhiệm", chuyên gia nhận xét thêm.