Israel liệu có đạt được toàn bộ mục tiêu ở Gaza?
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, Israel khó đạt mục tiêu nếu tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza vì nó liên quan đến giao tranh đô thị từng nhà, gây ra những rủi ro thảm khốc cho dân thường.
Sau vụ tấn công tổng lực bất ngờ của lực lượng Hamas, các nhà lãnh đạo Israel đã tuyên bố "Hamas sẽ bị xóa sổ khỏi Trái đất" và Gaza sẽ không bao giờ trở lại như xưa. "Mỗi thành viên Hamas đều phải chết", Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố.
Mục tiêu của Chiến dịch "Swords of Iron" (Gươm sắt) mà quân đội Israel đã phát động nhằm vào các mục tiêu của Hamas trong Dải Gaza có vẻ tham vọng hơn nhiều so với bất kỳ mục tiêu nào mà quân đội nước này đã lên kế hoạch ở Gaza trước đây và có thể kéo dài nhiều tháng.
Nhưng đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu mục tiêu của họ có thực tế không, và những chỉ huy quân sự của Israel sẽ hiện thực hóa mục tiêu đó như thế nào?
Bởi theo các chuyên gia quân sự, một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza liên quan đến giao tranh đô thị từng nhà, gây ra những rủi ro thảm khốc cho dân thường. Theo các quan chức Gaza, các cuộc không kích của Israel cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của 3.000 người và khiến 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Quân đội Israel còn có thêm nhiệm vụ giải cứu ít nhất 199 con tin bị giam giữ ở những địa điểm không xác định trên khắp Gaza. Ông Herzi Halevi, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), đã tuyên bố sẽ "xóa sổ" Hamas và chỉ ra người đứng đầu lực lượng này là mục tiêu số 1.
Nhưng liệu Tel Aviv đã có một tầm nhìn cuối cùng về việc Gaza sẽ như thế nào sau 16 năm Hamas nắm quyền kiểm soát ở đây hay không?
"Tôi không nghĩ Israel có thể tiêu diệt mọi thành viên Hamas, bởi vì đó là ý tưởng của Hồi giáo cực đoan. Nhưng bạn có thể làm suy yếu lực lượng này hết mức có thể để nó không còn khả năng hoạt động nữa", ông Yahya Sinwar, người đứng đầu lực lượng Hamas nhấn mạnh trong bài phát biểu mít tinh đánh dấu "Ngày Jerusalem" hay Ngày Al-Quds.
Hiện nay ông Yahya Sinwar được Israel xác định là mục tiêu hàng đầu. Đây có thể là một mục tiêu thực tế hơn. Israel đã trải qua 4 cuộc chiến với Hamas và mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của lực lượng này đều thất bại. Michael Milstein, người đứng đầu diễn đàn nghiên cứu về người Palestine của Đại học Tel Aviv, cho rằng, việc tiêu diệt hoặc làm suy yếu Hamas sẽ rất phức tạp.
Ông nói, ngoài sức mạnh hơn 25.000 thành viên cánh quân sự của Hamas, lực lượng này còn có thêm 80.000-90.000 thành viên dân sự, còn gọi là Dawa.
Kế hoạch tấn công trên bộ đầy rủi ro
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động quân sự thường rất rủi ro, phụ thuộc vào một số yếu tố, vốn có thể làm nó chệch hướng. Cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Izzedine al-Qassam, sẽ sẵn sàng đối phó một cuộc tấn công của Israel. Các thiết bị nổ sẽ được lắp đặt sẵn sàng và các cuộc phục kích đã được lên kế hoạch. Lữ đoàn này có thể sử dụng mạng lưới đường hầm khét tiếng và rộng khắp của mình để tấn công lực lượng Israel.
Năm 2014, các tiểu đoàn bộ binh Israel chịu tổn thất nặng nề do mìn chống tăng, lính bắn tỉa và phục kích của Hamas, trong khi hàng trăm thường dân thiệt mạng trong giao tranh ở khu vực phía bắc thành phố Gaza. Đó là lý do Israel yêu cầu sơ tán dân cư ở phía bắc của Dải Gaza xuống phía nam sông Wadi Gaza.
Israel đã được cảnh báo chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và con số kỷ lục là 360.000 quân dự bị đã được lệnh sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Câu hỏi đặt ra là Israel có thể tiếp tục chiến dịch của mình trong bao lâu mà không bị áp lực phải rút lui từ cộng đồng quốc tế. Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cảnh báo Gaza đang nhanh chóng trở thành một "hố địa ngục". Số người chết đang tăng nhanh; nguồn cung cấp nước, điện và nhiên liệu đã bị cắt.
"Chính phủ và quân đội cảm thấy họ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế - ít nhất là các nhà lãnh đạo phương Tây. Triết lý là 'hãy huy động, chúng ta có nhiều thời gian", Yossi Melman, một trong những nhà báo tình báo và an ninh hàng đầu của Israel, cho biết.
Nhưng ông cho rằng, sớm hay muộn thì các đồng minh của Israel sẽ vào cuộc nếu nhìn thấy hình ảnh người dân chết đói. Áp lực cũng sẽ lớn hơn nữa khi số thường dân thiệt mạng tăng lên. "Mọi chuyện rất phức tạp vì cần thời gian và Mỹ sẽ không cho phép Israel ở lại Gaza trong 1 hoặc 2 năm", ông Milstein nói.
Nếu Israel thực sự đang lên kế hoạch triển khai quân đội tấn công vào Gaza, các lực lượng này sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, trong đó sẽ có một số thách thức tương tự các trận chiến đô thị gần đây và những thách thức khác xuất phát từ đặc điểm độc đáo của địa hình đô thị ở Gaza và tình hình đối phương.
Nhưng cụ thể là sẽ như thế nào? Thực tế của hai cuộc xung đột gần đây Iraq và Ukraine về chiến tranh đô thị cùng với kinh nghiệm trước đây của Israel ở Gaza là minh chứng rõ nét nhất.
Israel có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động trên bộ ở Gaza và chống lại Hamas. Trong Chiến dịch Bảo vệ Bờ biển kéo dài 50 ngày vào năm 2014, Israel - khi đó huy động 75.000 quân dự bị - đã tiến hành một chiến dịch phối hợp trên không, trên bộ và trên biển, để hỗ trợ 3 sư đoàn IDF tiến vào Gaza.
Lần gần đây nhất lực lượng Israel tiến vào Gaza là vào năm 2014, điều đó có nghĩa là Hamas và các nhóm chiến binh khác đã có gần một thập niên để chuẩn bị phòng thủ.
Ngoài ra còn có những thách thức chiến thuật khác như việc Hamas có một kho vũ khí tên lửa và súng cối đáng kể ở Gaza. Vào năm 2014, nhóm này đã bắn khoảng 6.000 tên lửa tầm xa, tầm trung và tầm ngắn trong trận chiến kéo dài 50 ngày. Và họ đã bắn hơn 4.500 quả tên lửa chỉ trong ba ngày, bắt đầu bằng đợt tấn công vào sáng 7/10.
Theo báo cáo năm 2021, Hamas có hơn 8.000 tên lửa, có nghĩa là ngay cả khi tổ chức này không tăng kho dự trữ trong 2 năm qua, họ vẫn có sẵn hàng nghìn quả để sử dụng nhằm mục tiêu tấn công lực lượng mặt đất của IDF.
Một thách thức sẽ nghiêm trọng hơn rõ rệt so với những gì Israel từng phải đối mặt trong kinh nghiệm chiến tranh đô thị trước đây là việc sử dụng đầy đủ các loại máy bay không người lái (UAV), từ loại tự sát quân sự cho đến máy bay 4 cánh thương mại, bán sẵn được chế lại để thả đạn dược. Hamas đã công bố video lực lượng của họ sử dụng UAV trong cuộc tấn công gần đây và cho thấy những chiếc UAV lớn hơn trong kho của họ tương tự như những chiếc do Iran sản xuất được lực lượng Nga sử dụng ở Ukraine.
Trong cuộc xung đột Ukraine, UAV cũng trở thành cuộc chiến chủ yếu, trong đó Kiev gây bất ngờ với việc sử dụng hiệu quả các UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các lực lượng Nga.
Ngoài ra, còn có một thách thức lớn khác là các hệ thống đường hầm bí mật quy mô lớn của Hamas ở Gaza. Theo các chuyên gia, Hamas được cho là sẽ sử dụng các đường hầm để ẩn nấp, giữ an toàn và tung đòn tấn công bất ngờ. Lực lượng này cũng sẽ sử dụng chúng trong phòng thủ để di chuyển giữa các vị trí chiến đấu nhằm tránh hỏa lực của không quân và lục quân Israel.
Một vấn đề đặt ra cho quân đội Israel là việc Hamas sẽ tìm cách sử dụng chiến lược phòng thủ dựa vào cận chiến, cứ điểm (các tòa nhà bê tông và thép, thường có tầng hầm và đường hầm) và đội lính bắn tỉa. Vào năm 2014, Hamas đã triển khai từ 2.500- 3.500 tay súng để bảo vệ Gaza bằng cách sử dụng tên lửa, súng cối, tên lửa chống tăng dẫn đường, lựu đạn phóng tên lửa, súng máy và vũ khí nhỏ, hầu hết từ các cứ điểm chắc chắn.
Và còn đó là nhiệm vụ giải cứu con tin an toàn khỏi tay Hamas, trong số này hầu hết là người Israel, nhưng trong đó cũng có một số lượng lớn công dân nước ngoài và người mang 2 quốc tịch như Mỹ, Pháp và Anh. Tổng thống Emmanuel Macron đã hứa với các gia đình người Pháp gốc Israel sẽ đưa người thân của họ về nhà: "Pháp sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái của mình".
Hiện chưa rõ số phận của các con tin sẽ ảnh hưởng đến các nhà hoạch định quân sự đến mức nào. Chuyên gia chiến lược người Pháp, đại tá Michel Goya, cho biết IDF có một lựa chọn đơn giản, hoặc giải cứu các con tin hoặc lao vào "gây tổn hại cho Hamas nhiều nhất có thể".
Những lời kêu gọi từ gia đình những người bị Hamas giam giữ cũng đang gia tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo Israel.