Israel dùng pháo EXTRA tấn công Syria?
Theo Defence Update, không giống như đồn đoán, hôm 27/4, Israel đã dùng pháo phản lực EXTRA tấn công các mục tiêu gần sân bay Damascus, Syria.
Vũ khí hạng nặng
Vụ tấn công diễn ra vào rạng sáng 27/4, các đám cháy bùng phát tại sân bay quân sự ở Damascus, Syria. Theo nguồn tin này, vụ tấn công không phải do không quân thực hiện mà do pháo phản lực hạng nặng được bắn từ một vị trí ở phía tây Tel Aviv, trên cao nguyên Golan, cách khoảng trên 100 km so với mục tiêu.
Vụ tấn công diễn ra vào rạng sáng 27/4, Israel đã đánh đánh trúng một kho vũ khí ở gần sân bay quốc tế tại thủ đô Damascus, Syria, mà họ tuyên bố đó là kho đạn của quân đội Iran cung cấp cho lực lượng Hezbollah Lebanon đang hiện diện ở Syria, dùng trong cuộc chiến tranh chống Israel.
Dẫn nguồn tin địa phương, Hãng thông tấn al-Masdar xác nhận, Không quân Israel thực hiện ít nhất 5 vụ không kích vào mục tiêu là kho đạn của một sân bay quân sự, nằm trong sân bay quốc tế Damascus, cách thủ đô Syria 25 km về phía Đông Nam.
Tuy nhiên, theo Defence Update, đó không phải là cuộc tấn công từ chiến đấu cơ mà xuất phát từ hệ thống EXTRA. Nếu tuyên bố này được xác thực thì đây là lần thứ 2 Israel sử dụng pháo phản lực thế hệ mới nhất EXTRA tấn công Syria sau lần đầu diễn ra hồi tháng 12/2016. Và khoảng cách hơn 100 km đến mục tiêu chỉ bằng hai phần ba so với tầm bắn tối đa của EXTRA đạt được.
EXTRA được phát triển bởi công ty quốc phòng Israel Military Industries (IMI) và đã được xuất khẩu sang một số quốc gia nước ngoài giấu tên, ngay cả khi Quân đội Israel vẫn chưa đưa vào trang bị hệ thống vũ khí này.
Theo báo chí Israel, IMI đã thực hiện liên tục 5 lần bắn thử nghiệm với tên lửa EXTRA mới ở phía Nam đất nước, với các tên lửa được đặt trong bệ phóng trên một xe tải và nó đã thể hiện được khả năng chiến đấu xuất sắc khi phá hủy hàng chục mục tiêu ở xa hàng km.
Đạn tên lửa EXTRA có đường kính thân 300mm và chiều dài hơn 4m. Tên lửa mang được một đầu đạn đặc biệt 120kg, được thiết kế để tấn công các mục tiêu dưới đất và được dẫn đường bởi hệ thống định vị GPS.
EXTRA có tầm bắn khoảng 150 km, sai số vòng tròn xác suất (CEP) khoảng 10 m. Trong khi đó, đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn của Mỹ được cho là có CEP là 200-300 m ở tầm bắn khiêm tốn hơn nhiều.
EXTRA có khả năng phóng từ nhiều loại phương tiện mang, được ghép thành cụm ống phóng từ 2 đến 16 quả để phóng từ mặt đất. Cụm ống phóng có thể lắp lên xe tải cơ động cao hoặc tại trận địa cố định. Đạn EXTRA để trong container kín nên có tuổi thọ dài và chi phí bảo dưỡng rất thấp.
Không để đánh chặn
Với tính năng và cách tấn công mục tiêu của EXTRA, việc đánh chặn đạn của hệ thống này được coi là điều không thể với S-300/400 Nga triển khai tại Syria. Vậy trong trường hợp cơ sở vật chất của Nga là mục tiêu, Moscow có gì để đối phó?
Truyền thông Israel cho rằng, dàn vũ khí phòng không tối tân Nga hiện diện tại Syria chỉ có Pantsir-S1 là đủ khả năng đánh chặn đạn của hệ thống EXTRA.
Nhận định này được truyền thông Israel đưa ra không chỉ dựa vào những thông số do nhà sản xuất Nga công bố, mà đặc biệt sau khi vũ khí này có màn đánh chặn ấn tượng đạn của hệ thống Grad do phiến quân tấn công căn cứ không quân Hmeymim của Nga tại Syria hồi cuối tháng 3/2017.
Thông tin về vụ tấn công này được South Front dẫn nguồn tin địa phương tỉnh Latakia, Syria cho biết. Theo những người dân chứng kiến vụ tấn công kể lại, họ đã nhìn thấy ba quả đạn rocket đánh chặn được tổ hợp Pantsir-S1 phóng từ căn cứ Hmeymim.
Ngay sau khi được phóng đi, những quả đạn này đã đánh trúng mục tiêu là những quả đạn do hệ thống Grad BM-21 phóng đi. Pha đánh chặn đã tạo nên 3 vụ nổ lớn liên tiếp trên không gần căn cứ Hmeymim - có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tuy nhiên, dù có khả năng đánh chặn cực ấn tượng, nhưng hệ thống Pantsir-S1 có mặt tại Syria hiện chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ căn cứ của Nga. Vì vậy, đối phó với những vũ khí kiểu như pháo phản lực EXTRA hay Grad vẫn là điều không thể với Syria lúc này.
Clip Israel tấn công kho vũ khí ở Syria:
Theo Đan Nguyên
Đất Việt