1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Israel: Biến chủng Delta làm giảm hiệu quả vắc xin Pfizer-BioNTech

Đức Hoàng

(Dân trí) - Israel ghi nhận số liệu cho thấy biến chủng Delta nguy hiểm làm giảm hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech (Mỹ - Đức) phòng ngừa Covid-19.

Israel: Biến chủng Delta làm giảm hiệu quả vắc xin Pfizer-BioNTech - 1

Israel được xem là "hình mẫu tiêm chủng" của thế giới với tốc độ tiêm vắc xin nhanh trong thời gian qua (Ảnh: AFP).

Bộ Y tế Israel ngày 5/7 công bố dữ liệu cho thấy vắc xin Pfizer-BioNTech có thể ngăn ngừa hầu hết các ca bệnh nghiêm trọng hoặc ca bệnh cần nhập viện, nhưng lại giảm hiệu quả đáng kể trong việc chống sự lây lan của Delta, chủng SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm nhất thế giới.

Theo Israel, sau khi chủng Delta lây lan mạnh, hiệu quả bảo vệ của vắc xin của Pfizer-BioNTech với ca Covid-19 có triệu chứng giảm khoảng 30%, xuống 64%. Dữ liệu công bố hồi tháng 5 - khi Delta ít phổ biến hơn - cho thấy tỷ lệ bảo vệ của vắc xin trên là 94,3%.

Delta, chủng được xem là có khả năng lây lan gấp đôi chủng ban đầu, hiện chiếm tới 90% tổng số ca bệnh mới ở Israel trong 2 tuần qua.

Dù kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn Delta lây lan, vắc xin của Pfizer-BioNTech vẫn rất hiệu quả về việc ngăn chặn các triệu chứng nghiêm trọng và giảm số người phải nhập viện điều trị. Hồi tháng 5, tỷ lệ này là 98,2%, trong khi tháng 6, tỷ lệ này giảm nhẹ xuống 93%.

Israel được xem là hình mẫu tiêm chủng của thế giới và nước này đã dỡ bỏ nhiều lệnh hạn chế nghiêm ngặt sau khi tiến hành rất nhanh chiến dịch tiêm phòng toàn dân. Tuy nhiên, với sự bùng phát của chủng Delta nguy hiểm, Thủ tướng nước này Naftali Bennett đã áp dụng lại một số biện pháp phòng dịch.

Ngoài ra, ông Bennett cũng chỉ đạo Bộ Y tế xem xét về 2 nghiên cứu y khoa liên quan tới sự cần thiết của việc tiêm liều vắc xin thứ 3 chống lại Covid-19. Israel cần những thông tin quan trọng này để cân nhắc việc có cần tiêm nhắc cho người dân hay không vì nó sẽ "đánh giá hiệu quả của vắc-xin và tốc độ giảm bảo vệ của vắc-xin theo thời gian".

Một nghiên cứu sẽ xem xét hiệu quả vắc xin theo thời gian với các nhóm tuổi khác nhau và tình trạng sức khỏe khác nhau. Nghiên cứu còn lại sẽ xem xét khả năng miễn dịch tế bào (một phản ứng miễn dịch không liên quan đến kháng thể) theo thời gian.

Tuần trước, lãnh đạo đối lập Benjamin Netanyahu đã kêu gọi chính phủ Israel bắt đầu tiêm liều 3 cho người dân vào tháng 8, nhưng hiện các thử nghiệm về liều tiêm nhắc của Pfizer vẫn chưa hoàn thành. Mặc dù vậy, ông Netanyahu cảnh báo rằng: "Cái giá của việc chậm trễ có thể sẽ khiến nhiều người mất mạng".