1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Israel bị nghi chặn Đức chuyển giao tên lửa cho Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Bất chấp những nỗ lực thuyết phục từ nhiều phía, Israel được cho là vẫn từ chối cho phép Đức chuyển giao tên lửa chống tăng Spike cho Ukraine.

Israel bị nghi chặn Đức chuyển giao tên lửa cho Ukraine - 1
Tên lửa chống tăng Spike (Ảnh: 19FortyFive).

RT đưa tin, Israel sẽ không cho phép Đức viện trợ tên lửa chống tăng Spike cho Ukraine. Tên lửa này được sản xuất tại Đức theo giấy phép của Israel và vì thế việc xuất khẩu loại vũ khí này sang một nước thứ ba sẽ cần phải được Tel Aviv chấp thuận.

Lầu Năm Góc được cho là đã nhiều lần thúc giục Bộ Quốc phòng Israel phê duyệt việc xuất khẩu tên lửa Spike cho Ukraine. Tuy nhiên, những yêu cầu từ phía Mỹ đã liên tục bị từ chối.

Theo giải thích từ phía Israel, lý do của sự từ chối này là do Tel Aviv lo ngại nếu được chuyển giao cho Kiev, tên lửa này sẽ gây thương vong cho các binh sĩ Nga. Israel không muốn các lợi ích an ninh của mình, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông và Syria, bị ảnh hưởng bởi những động thái trả đũa của Moscow.

Thay vì tên lửa Spike, Israel khẳng định họ sẵn sàng hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky với những khí tài không sát thương. Trong chuyến thăm đến thủ đô Washington D.C vào thứ 4 tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã cam kết sẽ chuyển giao cho Kiev 2.000 mũ bảo hiểm cùng 500 áo giáp chống đạn.

Được phát triển bởi nhà thầu quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems của Israel, tên lửa chống tăng Spike được đưa vào sử dụng lần đầu tiên từ những năm 1980. Tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn chống tăng hoặc đầu đạn nổ với sát thương cao. Sau khi khai hỏa, Spike sẽ được dẫn đường bởi người điều khiển hoặc bắn theo đường ngắm định trước.

Vì những tính năng như vậy, tên lửa Spike được sử dụng để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau như xe tăng, xe bọc thép, hầm trú ẩn, tàu đổ bộ, tàu chiến mặt nước và cả bộ binh của đối phương. Mỹ và một số đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã trang bị tên lửa Spike trên các trực thăng tấn công và đạt được hiệu quả rất đáng ghi nhận.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức phải tạm dừng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine do yêu cầu từ một nước thứ 3. Trước đó, Thụy Sĩ đã gián tiếp chặn Đức viện trợ xe chiến đấu bộ binh Marder cũng như hệ thống phòng không Gerpard cho Ukraine, thông qua việc từ chối cung cấp đạn dược do nước này sản xuất.

Thời gian gần đây, Ukraine đã liên tục có những đồng thái kêu gọi Đức chuyển giao thêm vũ khí hạng nặng cho nước này nhằm kháng cự lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, nữ nghị sĩ Ukraine Anastasia Radina cho rằng việc chuyển giao vũ khí từ phía Berlin đang diễn ra quá chậm.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine