1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

IS tấn công các cảng dầu lớn, đe dọa ngành công nghiệp dầu mỏ Libya

(Dân trí) - Các quan chức Libya ngày 6/1 cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tăng cường tấn công vào các cảng dầu lớn nhất nằm ở phía đông Libya từ đầu tuần này và đang đe dọa ngành công nghiệp dầu mỏ quốc gia Bắc Phi.

 

Hiện trường nơi IS tấn công các cảng dầu (Ảnh minh họa: WSJ)
Hiện trường nơi IS tấn công các cảng dầu (Ảnh minh họa: WSJ)

Các cuộc tấn công trên dấy lên lo ngại rằng IS lên kế hoạch đe dọa hiệp ước hòa bình đạt được giữa các nhóm vũ trang, vốn đang cạnh tranh giành quyền kiểm soát Libya, thông qua việc triệt tiêu nguồn thu tài chính.

Phát biểu với Wall Street Journal, Ali al-Hassi, phát ngôn viên Lực lượng vệ binh bảo vệ các mỏ dầu chuyên bảo vệ các cảng dầu, nhấn mạnh sẽ liên kết với chính phủ liên kết để chống chủ nghĩa khủng bố ở Libya.

Ông Hassi cho biết 4 kho chứa dầu đã bốc cháy tại cảng Es Sider, nơi IS bắt đầu tổ chức tấn công hôm thứ Hai (3/1). Tại cảng dầu Ras Lanuf cạnh đó, một kho dầu cũng bốc hỏa sau khi IS tấn công tuần này.

Theo phát ngôn viên Công ty dầu mỏ quốc gia, tổng số téc chứa dầu lên đến 7, trong đó 5 tại cảng Es Sider và 2 tại cảng Ras Lanuf. Các téc dầu bốc cháy là do hỏa lực từ súng máy. Lực lượng cứu hỏa không thể tiếp cận các thiết bị trên bởi rất nguy hiểm.

Hassi, phát ngôn viên Lực lượng vệ binh bảo vệ các mỏ dầu tại Libya, cho biết lực lượng này đang đáp trả lại IS. “Tình hình đang rất khó khăn, hãy cầu nguyện cho chúng tôi!”, ông Hassi cho biết. Tổng cộng 10 thành viên Lực lượng vệ binh bảo vệ các mỏ dầu đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, trong khi 150 phiến quân IS bị tiêu diệt, theo ông Hassi.

Công ty dầu mỏ quốc gia cũng kêu cứu trên trang chủ rằng: “Tất cả các công dân danh dự và trung thành với tổ quốc Libya cần nhanh tay để cứu vãn những nguồn tài nguyên còn sót lại trước khi quá muộn”.

Jason Pack, lãnh đạo công ty ty tư vấn phân tích về Libya trụ sở tại Anh nhận định: “IS đang cố phá hủy nguồn tài nguyên dầu mỏ khiến Libya không còn nguồn tài nguyên này để sử dụng trong tương lai”.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Libya đang gặp rủi ro lớn và đã suy giảm 6% trong năm 2015 bởi các nguồn tài chính nước này đang gặp vấn đề. Ngành công nghiệp dầu mỏ Libya đang gặp thách thức bởi bạo lực trong năm qua đến từ IS và các nhóm vũ trang cạnh tranh giành quyền lực. Libya có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn nhất châu Phi và có tiềm năng khai thác đạt tối đa 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, sản lượng dầu khai thác đã giảm xuống còn khoảng 1/3 tiềm năng trên.

Vũ Duy

Theo Wall Street Journal