1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

IS đánh bom máy bay Nga? "Đưa bằng chứng đi, không thì hãy im lặng"

Thông tin cho đến thời điểm này không đủ để khẳng định rằng chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia bị quân khủng bố cài bom.

Riêng sự nghi ngờ thôi là không đủ khi nói đến một kịch bản tấn công thảm khốc nhất trong ngành hàng không dân dụng sau vụ khủng bố 11/9/2001. Thảm kịch có thể xuất phát từ một kế hoạch nham hiểm, nhưng thông tin có được không ủng hộ giả thuyết này.

Không biết vô tình hay hữu ý, chính quyền Anh đã tạo ra một cơn bão dư luận với lời quả quyết chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia (Nga) gặp nạn ở bán đảo Sinai (Ai Cập) là do quân khủng bố thực hiện. “Chúng tôi kết luận vụ tai nạn có thể xảy ra do một thiết bị nổ trên máy bay. Nhiều khả năng là như vậy” - Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói.

Điều trớ trêu là ở chỗ, ngay trước khi chính phủ Anh đưa ra quyết định tự cử các chuyên gia hàng không tới sân bay Sharm el-Sheikh để đánh giá tình hình an ninh, thì tình báo Mỹ, Anh đã kịp “giới hạn” cài bom là nguyên nhân “khả dĩ nhất” khiến máy bay gặp nạn, nhưng chẳng có bất kì bằng chứng nào được đưa ra.

IS đánh bom máy bay Nga? "Đưa bằng chứng đi, không thì hãy im lặng" - 1

Các mảnh vỡ còn sót lại tại hiện trường sau thảm kịch. (Ảnh: TASS)

Truyền thông phương Tây ngay từ đầu cũng hùa theo những nhận định kiểu vậy. Các “báo cáo” của CNN, NBC News, AP… thường xuyên trích dẫn nguồn tin độc quyền giấu tên là “một quan chức tình báo Mỹ”, nói rằng quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo ( IS) tự xưng là thủ phạm đứng sau vụ việc.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ lại chia sẻ với tờ The Daily Beast rằng, hiện còn quá sớm để “đóng đinh” nguyên nhân máy bay Nga bị cài bom, dù đây là hướng mà các cơ quan tình báo Mỹ để tâm ngay sau thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

Các nghị sĩ Mỹ cũng thể hiện quan điểm về tình huống “chưa chắc chắn” này. Hạ nghị sĩ Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nhận định, có thể là thiết bị nổ, nhưng cũng không thể loại trừ những hỏng hóc có thể đã xảy ra đối với cấu trúc, kĩ thuật của máy bay.

Thông tin quân khủng bố tấn công chiếc A321 bằng bom khiến nhiều người hoài nghi, vì nó xuất hiện sau khi IS và các phần tử thánh chiến cực đoan ở bán đảo Sinai “quả quyết” đã phóng tên lửa bắn hạ máy bay Nga – điều mà sau đó chính tình báo Mỹ đã phủ nhận vì quân khủng bố không sở hữu tên lửa có khả năng vươn tới trần bay 9.450m – độ cao tại thời điểm mà A321 biến mất khỏi màn hình radar.

Nếu đích thị là “cài bom”, thì ngay từ đầu quân khủng bố đã công bố thông tin này, không để đến ngày 4/11 vẫn còn “dọa” sẽ tung bằng chứng mới bắn hạ máy bay.

“Những bằng chứng ngày một sáng tỏ” mà văn phòng Thủ tướng Anh công bố đến từ đâu và tại sao Anh lại là nước đầu tiên được “tiếp cận” và công bố là một dấu hỏi, nhất là khi London thừa biết truyền thông sẽ  “theo đuôi” vào cuộc.

Thông tin xuất hiện tại thời điểm Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi bắt đầu chuyến thăm Anh trong 3 ngày (từ 4-6/11). Hiện chưa có bất kì một đánh giá đồng nhất nào về việc quân khủng bố đứng sau vụ việc, cũng không có bất kì dữ liệu, bằng chứng nào củng cố vững chắc giả thuyết này.

Điều mà đến nay có thể khẳng định được là chiếc A321 đã nổ, rung lắc mạnh trên không và phi hành đoàn không có cơ hội liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu.

Các nhà điều tra đang phân tích dữ liệu từ hộp đen máy bay. Nhưng thông tin từ hộp đen có rất ít giá trị nếu như chiếc A321 bị nổ tung thành nhiều mảnh trên không. Thiết bị này lưu giữ hàng nghìn thông số về tình trạng vận hành của các hệ thống trên máy bay, hành động của phi hành đoàn, thế nhưng cả núi dữ liệu sẽ bị xóa hết một khi máy bay nổ trên không.

Hộp đen hữu ích trong trường hợp xem xét quy trình thông thường, nhưng không giải mã được nhiều điều nếu sự cố bất chợt xảy đến. Ví dụ như nếu có chỉ dấu cảnh báo sớm về trục trặc với động cơ, hỏng hóc hệ thống, thiết bị này sẽ lưu lại và thể hiện.

Trong trường hợp này, một phần việc mà các nhà điều tra phải làm là tìm kiếm dấu hiệu liên quan đến lỗi hư hỏng ở hệ thống điều áp, vì “rò rỉ” áp suất có thể xảy ra nếu một phần cấu trúc máy bay gặp sự cố và từ đó gây ra vụ nổ áp suất.

Còn nếu máy bay bị cấy bom – dù là trên cơ thể hành khách hay trong các gói hành lý ở khoang gửi đồ, thì việc điều tra sẽ không dựa vào hộp đen. Cách thức cổ điển thường thấy sẽ là “đọc” mảnh vỡ để tìm ra dấu hiệu có chất nổ; xem vụ nổ xảy ra chính xác ở khu vực nào trong thân máy bay.

Để khẳng định tính chính danh thông tin đưa ra, Văn phòng Thủ tướng Anh hay một quan chức Mỹ “vô hình” nào đó cần phải đưa ra những bằng chứng xác thực. Đó là điều chưa có tại thời điểm hiện nay.

Theo Hoài Thanh/Dailybeast

baotintuc.vn

IS đánh bom máy bay Nga? "Đưa bằng chứng đi, không thì hãy im lặng" - 2