Iran dọa phong tỏa eo biển Hormuz
(Dân trí) - Iran cảnh báo sự hiện diện của Israel tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là mối đe dọa và Tehran có thể đóng cửa eo biển Hormuz nếu thấy cần thiết.
"Chúng tôi sẽ đáp trả nếu bị tấn công, nhưng chúng tôi sẽ không vội vàng đáp trả", Tư lệnh lực lượng trên biển thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Alireza Tangsiri tuyên bố hôm 9/4.
"Chúng tôi có thể phong tỏa eo biển Hormuz, nhưng tới nay chưa làm như vậy. Tuy nhiên, nếu đối phương đến quấy rối, chúng tôi sẽ xem lại chính sách của mình", ông Tangsiri cảnh báo.
Ông Tangsiri chỉ trích sự hiện diện của Israel tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
"Chúng tôi biết rằng những người Israel được đưa đến UAE không phải vì mục đích kinh tế mà vì mục đích an ninh và quân sự. Đây là mối đe dọa đối với chúng tôi và điều này không được phép diễn ra", ông Tangsiri nói thêm.
Iran gần đây cảnh báo sẽ đáp trả cứng rắn Israel vì cho rằng Israel đứng sau vụ tấn công lãnh sự quán Iran ở Syria khiến 7 thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng, trong đó có một tướng cấp cao.
Mohammad Bagheri, một tướng quân đội của Iran, cho biết Iran sẽ quyết định thời gian và cách thức trả đũa thích hợp để "gây tổn thất tối đã cho Israel, khiến Israel phải hối hận vì những gì đã làm".
Một quan chức cấp cao khác của Iran cảnh báo, không đại sứ quán nào của Israel trên thế giới còn an toàn sau vụ tập kích lãnh sự quán Iran. Truyền thông Iran cuối tuần qua cho biết, nước này hiện sở hữu 9 loại tên lửa có tầm bắn đủ vươn tới lãnh thổ Israel.
Eo biển Hormuz là cửa ngõ quan trọng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của thế giới, với hơn 1/5 nguồn cung dầu mỏ toàn cầu đi qua eo biển hẹp này. Dầu mỏ từ các quốc gia vùng Vịnh như Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đều đi qua eo biển Hormuz.
Được xem là tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược, eo biển Hormuz kết nối các nhà sản xuất dầu thô tại Trung Đông với các thị trường then chốt trên toàn thế giới. Eo biển này dài chưa đầy 40km với điểm hẹp nhất khoảng 33km, nối thông vịnh Ba Tư với vịnh Oman và biển Ả Rập trước khi tỏa ra các vùng biển quốc tế.
Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, việc chặn eo biển Hormuz có thể tạo ra cơn chấn động tại Ấn Độ, Trung Quốc và hàng chục quốc gia đang nhập khẩu dầu thô với số lượng lớn từ Trung Đông.
Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là những thị trường lớn nhất tiêu thụ dầu thô đi qua biển Hormuz để tới châu Á, chiếm khoảng 65% trong tổng số lượng dầu thô đi qua eo biển Hormuz vào năm 2018.
Lãnh thổ Iran trải dài toàn bộ khu vực phía bắc của eo biển Hormuz và vùng nước sâu của eo biển này cũng nằm phần lớn trong vùng biển của Iran. Do vậy, gần như mọi tàu chở dầu đi qua eo biển này đều nằm trong tầm kiểm soát của Tehan. Nếu muốn tấn công các tàu chở dầu, Iran có thể đặt toàn bộ eo biển Hormuz vào tầm phóng của tên lửa.