Indonesia thành ngọn cờ đầu chặn tham vọng Trung Quốc?
Indonesia quyết khẳng định quyền lợi ở Biển Đông sau các cuộc đụng độ giữa các tàu hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc.
Phó Tổng thống Indonesia, ông Jusuf Kalla nói với Reuters rằng Indonesia muốn gửi một thông điệp tới Trung Quốc, yêu cầu nước này tôn trọng chủ quyền của Indonesia đối vùng biển quanh quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông.
“Đây không phải là một vụ va chạm mà chúng tôi đang bảo vệ khu vực này”, ông Kalla nói.
Khi được hỏi rằng liệu chính phủ Indonesia có đưa ra một quyết định cứng rắn hơn, ông đáp: “Có, chúng tôi sẽ tiếp tục”.
Bình luận trên diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi cuối tuần qua nói rằng một tàu hải quân Indonesia đã bắn một tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Natuna hôm 17/6, làm 1 người bị thương.
Phía Hải quân Indonesia phản pháo rằng họ đã bắn cảnh cáo vài tàu treo cờ Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt trái phép nhưng không làm ai bị thương.
Đây là vụ đối đầu thứ 3 gần quần đảo Natuna trong năm nay giữa Indonesia và Trung Quốc. Vụ việc diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng do sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Jakarta không có tranh chấp về chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, nhưng tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần hết Biển Đông của Bắc Kinh chồng lấn một phần vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.
Bắc Kinh còn ngang ngược in ấn tấm bản đồ nước này hồi năm 1993, trong đó xem quần đảo Natuna là của Trung Quốc, theo tạp chí The Diplomat (trụ sở ở Nhật).
Trung Quốc nói nước này không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, nhưng Phó Tổng thống Kalla cho biết các tàu nước này thỉnh thoảng lại tuyên bố có chủ quyền hoạt động trong vùng biển quanh quần đảo vì chúng là “ngư trường đánh bắt truyền thống của Trung Quốc”.
“Chúng tôi chú trọng tới cơ sở pháp lý”, ông Kalla nói, liên hệ với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). “Chúng tôi sẽ gửi một thông điệp tới phía bên kia để tôn trọng khu vực theo luật pháp quốc tế”.
Tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mở một cuộc họp quan trọng với Bộ trưởng An ninh và Các vấn đề chính trị Luhut Binsar Panjaitan để bàn về Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có hành động gây hấn với nước này.
Trước đó, ông Panjaitan cho hay, các nhà lãnh đạo chính phủ sẽ đưa ra một lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông.
Những động thái từ phía Indonesia cho thấy Jakarta đã mất kiên nhẫn với Bắc Kinh. Trước đây, cũng giống như Malaysia, Indonesia vẫn giữ vai trò trung lập trước những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông do còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu thụ sản phẩm dầu cọ từ Trung Quốc.
Forbes từng dẫn lời ông Rahul Bajoria, nhà kinh tế học người Indonesia tại Công ty Tài chính Barclays ở Singapore, nhận định, Indonesia đang muốn hiện đại hóa hải quân và ngăn cản các hoạt động đánh bắt trái phép của tàu nước ngoài.
Ông dự đoán, Indonesia có ý định mua thêm tàu ngầm và tàu tuần tra để trang bị cho hải quân. Hải quân Indonesia hiện chỉ mới có 66 tàu tuần tra và 2 tàu ngầm.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định, chính sách mới cho thấy Indonesia cứng rắn hơn trong việc xử lý tàu cá Trung Quốc xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Biển Đông.
Ông Denny Roy, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Đông Tây (Mỹ), đánh giá: “Trong nhiều thập kỷ qua, Indonesia cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Tuy nhiên, tình thế hiện tại buộc Jakarta phải tìm ra biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này”.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về “đường lưỡi bò” phi lý và Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện vào đầu tháng 7 tới.
Theo An Nhiên (Tổng hợp)
Đất Việt