1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia mở rộng quy mô tìm máy bay mất tích lên 13 vùng

(Dân trí) - Indonesia hôm nay cho biết sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm chuyến bay mất tích QZ8501 lên 13 vùng, so với 7 vùng vào hôm qua. Khoảng 30 tàu và 15 máy bay của Indonesia và các quốc gia trong khu vực đã được huy động trong ngày tìm kiếm thứ 3.


Bản đồ phân chia 13 khu vực tìm kiếm trong ngày 30/12.

Bản đồ phân chia 13 khu vực tìm kiếm trong ngày 30/12.
 
Mở rộng tìm kiếm lên 13 vùng
 
Trang CNA dẫn lời các quan chức Indonesia cho biết, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 mất tích đang mở rộng xuống phía Nam. Hiện có 6 tàu đang tiến về phía Nam đảo Belitung, xa hơn phạm vi tìm kiếm trong 2 ngày trước đó.
 
Trang CNA dẫn lời Phó thống chế Không quân Indonesia S Sunarbowo khẳng định tất cả các vật thể đáng nghi được thông báo từ trước đến nay đều không liên quan đến chiếc máy bay mất tích.
 
Theo tờ Bangkok Post, Thái Lan sẵn sàng trợ giúp chiến dịch tìm kiếm QZ8501. Tờ báo này cũng dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong một bức thư gửi tới chính phủ Indonesia :"Vào thời điểm này, chúng tôi đều cầu nguyện cho các hành khách và thành viên phi hành đoàn. Tâm trí của chúng tôi đều hướng về họ".
 
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo sẽ cử một máy bay trinh sát tham gia tìm kiếm QZ8501 trong ngày tìm kiếm thứ 3, 30/12.
 
Một tàu của Indonesia chuẩn bị lên đường tìm kiếm máy bay mất tích.
Một tàu của Indonesia chuẩn bị lên đường tìm kiếm máy bay mất tích.
 
Trang AP đưa tin 4 chiếc máy bay đã được cử đi tìm kiếm chiếc phi cơ AirAsia mất tích tại các khu vực trên đất liền.
 
Trang Guardian đưa tin, nhà báo hàng không John Walton đưa ra nhận định đám cháy gần đảo Pulau Long có thể không liên quan đến vụ mất tích của máy bay QZ8501. Bởi vào mùa này, việc cháy các khu rừng cung cấp gỗ sản xuất giấy là khá phổ biến tại Indonesia.
 
Indonesia thông báo mở rộng vùng tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia mất tích lên 13 vùng trong ngày hôm nay 30/12. Lực lượng tìm kiếm xác định chi tiết từng vùng, đồng thời phân công cụ thể các máy bay và tàu đến rà soát từng khu vực cụ thể.
 
Khu vực tìm kiếm sẽ mở rộng từ 7 vùng trong ngày 29/12 lên 13 vùng vào hôm nay.

Khu vực tìm kiếm sẽ mở rộng từ 7 vùng trong ngày 29/12 lên 13 vùng vào hôm nay.
 
Trung Quốc cho biết sẽ cử một tàu hải quân và một máy bay phản lực của không quân đến Indonesia để hỗ trợ công tác tìm kiếm chuyến bay AirAsia mất tích. Hiện tàu hải quân này đang cùng 1 tàu khu trục đi tuần trên Biển Đông và sẽ tiến thẳng đến khu vực tìm kiếm. Trong khi đó, không quân Trung Quốc đang phối hợp với các nước khác để vạch ra đường bay cho chiếc máy bay hỗ trợ Indonesia.
 
“Trời quanh đảo Belitung nhiều mây đen, với những đợt sóng cao từ 1-2m”, quan chức hải quân Indonesia Purwanto cho hay. Ông Purwanto cũng bổ sung rằng có thể sẽ có mưa, nhưng cuộc tìm kiếm chiếc máy bay vẫn sẽ được tiếp tục tiến hành và chỉ dừng lại khi điều kiện thời tiết cực kỳ bất lợi.
 
 
Trên một máy bay tìm kiếm của quân đội Indonesia.
Trên một máy bay tìm kiếm của quân đội Indonesia.
 
Chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia do Indonesia đứng đầu, với sự trợ giúp của Úc, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc vẫn được tiếp tục trên biển Java vào đêm 29/12. Đến sáng nay, hoạt động tìm kiếm bằng đường không đã được nối lại sau khi bị ngừng khi trời tối vào hôm qua.
 
Đêm qua, Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia cho hay họ đã nhận được thông tin có những đám khói bốc lên từ đảo Pulau Long. Cơ quan này cho biết sẽ cử đội tìm kiếm đến vị trí này vào sáng nay 30/12.
 
Giám đốc điều hành hãng hàng không AirAsia Tony Fernandes đêm qua chia sẻ rằng: "Đây là một trong những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi".
 
Ông Fernandes cho biết phần lớn thời gian trong ngày hôm qua ông dành để thăm hỏi, động viên gia đình thân nhân các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay mất tích, trong đó có gia đình của 1 thợ máy, 1 tiếp viên hàng không và 1 phi công.
 
“Cuộc gặp gỡ với thân nhân của phi hành đoàn chuyến bay QZ8501 thật xúc động và cho tôi nhiều xúc cảm… Họ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi”, ông Fernandes nói.
 
Tàu chiến Mỹ vào cuộc
 
Trong bối cảnh cuộc tìm kiếm ròng rã suốt 2 ngày qua không có kết quả, nhiều quốc gia tuyên bố sẵn sàng trợ giúp Indonesia tìm máy bay mất tích.
 
Thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia, chính phủ Indonesia đã đề nghị Mỹ giúp đỡ trong việc định vị chiếc máy bay mất tích của hãng AirAsia. Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc John Kirby thông báo rằng: “Chính phủ Mỹ đang tiến hành chuẩn bị, có thể hỗ trợ Indonesia các thiết bị trên không, trên mặt biển và dưới nước”.

 
Hải quân Mỹ thông báo sẽ triển khai tàu khu trục USS Sampson đến vùng biển Indonesia. Dự kiến chiếc tàu này sẽ tới hiện trường tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 mất tích trong ngày hôm nay.
 
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 29/12 tuyên bố: “Thái Lan sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Indonesia bằng tất cả những gì có thể trong việc tìm kiếm máy bay bị mất tích của hãng hàng không Air Asia”. Thủ tướng Prayuth cho biết ông đã chỉ thị cho tất cả các bộ ngành liên quan sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
 
 
Trên một máy bay tìm kiếm của không quân Indonesia.
Hải quân Malaysia thông báo 7 khu vực tìm kiếm quanh đảo Belitung hôm qua sẽ được tiếp tục rà soát trong ngày hôm nay 30/12.
 
Chưa phát hiện mảnh vỡ nào
 
Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo ngày 29/12 cho hay tất cả các lực lượng đã được triển khai trong nỗ lực tìm kiếm chuyến bay mất tích QZ8501 và hối thúc những người liên quan làm hết sức mình để hỗ trợ chiến dịch. 
 
Trước đó, Người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) Bambang Soelistyo đã đưa ra giả thuyết chiếc máy bay đang nằm dưới đáy biển. Ông cho hay: "Dựa trên các tọa độ được cung cấp và các đánh giá của chúng tôi, vị trí xảy ra vụ tai nạn được tính toán là ở trên biển, giả thiết chúng tôi đưa ra là chiếc phi cơ hiện đang nằm dưới đáy biển".

Ông Bambang Soelistyo sau đó cũng xác nhận vật thể được không quân Úc phát hiện vào sáng 30/12 trên biển Java đã được xác định không phải từ máy bay mất tích.

Trước đó, một chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam cho rằng tại thời điểm này rất dễ xảy ra nhầm lẫn những mảnh vỡ trên máy bay với các vật thể trôi nổi trên biển, vốn chỉ là rác.

Trong ngày 30/12, khi một số vệt dầu loang được phát hiện trên biển Java, Basarnas đã triển khai một tàu tới vùng biển giữa đảo Bangka và Belitung. Ông Soelistyo nói vẫn chưa có xác nhận liệu vệt dầu có phải từ máy bay hay không. Cũng không có dấu hiệu về mảnh vỡ từ máy bay được nhìn thấy từ trên không. 


QZ8501 đã mất tích trên đường từ Indonesia đi Singapore.
QZ8501 đã mất tích trên đường từ Indonesia đi Singapore.

 

Hãng Channel News Asia (CNA) ngày 29/12 đưa tin: "Giới chức Indonesia cho biết các ngư dân nghe thấy tiếng va chạm gần Paula Nangka, trong khi những người khác nhìn thấy một máy bay lao xuống khu vực Pulau Lung". Tuy nhiên, đội tàu được cử đến vị trí này đã ra về “tay trắng” khi không tìm thấy dấu hiệu nào của chiếc máy bay QZ8501.
 
Trong một diễn biến khác, trang Detic của Indonesia cho biết lực lượng tìm kiếm do Úc gửi đến đã phát hiện 2 tín hiệu trong ngày hôm nay. Tín hiệu đầu tiên đến từ phao định vị cá nhân, còn tín hiệu thứ 2 - hiện vẫn chưa được xác nhận - được phát hiện tại vị trí gần đảo Belitung. 
 

Chuyến máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia Indonesia chở 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn khởi hành từ sân bay Surabaya, Indonesia đến sân bay Chanqi, Singapore đã mất tích vào 6h14 sáng 28/12, sau khi cơ trưởng xin phép đổi hướng và đổi độ cao từ 32.000 feet (khoảng 9,75km) lên 38.000 feet (khoảng 11,5km) để tránh mây bão.

 

Vào 7h55 giờ địa phương, thông tin máy bay mất tích chính thức được Indonesia công bố. Vị trí cuối cùng của máy bay trước khi mất liên lạc nằm giữa Tanjung Pandan ở tỉnh Bangka Belitung và Pontianak ở tỉnh Tây Kalimantan. Các chuyên gia tin rằng bầu trời khu vực gần Bangka Belitung tại thời điểm máy bay mất tích phủ kín mây giông, vốn thường đi kèm với mưa to và bão sét.

 

Chiếc máy bay của hãng AirAsia xuất phát vào 5h30 sáng tại sân bay Surabaya (giờ Indonesia) dự định đến Singapore vào 8h30 sáng (giờ Singapore). Trên chiếc máy bay mất tích QZ8501 có 155 hành khách, 2 phi công và 5 tiếp viên hàng không. Trong đó, có 155 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Malaysia, 1 người Pháp và 1 người Anh.

 

AirAia Indonesia là chi nhánh liên doanh giữa Indonesia và Malaysia, với 49% vốn của hãng AirAsia Malaysia. Hãng hàng không AirAsia cũng có chi nhánh tại Thái Lan, Phillipines, Ấn Độ và chưa từng gặp tai nạn nghiêm trọng kể từ khi tỷ phú Tony Fernandes thành lập tập đoàn AirAsia với trụ sở chính tại Malaysia năm 2002. 

 
An Bình-Phạm Thoa