Indonesia gây tranh cãi vì chi 800 triệu USD mua tiêm kích đã qua sử dụng
(Dân trí) - Indonesia giải thích lý do chi 800 triệu USD mua 12 tiêm kích Mirage 2000-5 cũ, sau khi thương vụ này đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều.
Indonesia ngày 14/6 xác nhận đã mua 12 máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 mà Qatar từng sử dụng.
Jakarta giải thích thương vụ 800 triệu USD này là cách nhanh chóng để quốc gia Đông Nam Á nâng cấp lực lượng không quân sau khi bị một số nhà lập pháp trong nước chỉ trích vì cho rằng các tiêm kích này quá cũ.
Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, nước này đã ký hợp đồng trị giá 792 triệu USD với Excalibur International a.s., một đơn vị của công ty quốc phòng Czechoslovak Group (Séc) vào tháng 1. Các máy bay dự kiến sẽ được giao trong vòng 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Trong 12 máy bay, có 9 chiếc phiên bản 1 chỗ và 3 chiếc phiên bản 2 chỗ. Sau khi thông tin này được thông báo, đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thương vụ.
"Có gì khẩn cấp đến mức chúng ta phải mua máy bay phản lực cũ và đã qua sử dụng?", nghị sĩ Tubagus Hasanuddin đặt câu hỏi.
Theo hãng sản xuất Dassault Aviation (Pháp), dòng máy bay này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1967.
Indonesia chưa công bố tuổi của những máy bay cũ này. Thương vụ sẽ gồm dịch vụ hỗ trợ và đào tạo phi công kéo dài trong 3 năm.
"Indonesia cần các tiêm kích có thể được chuyển giao nhanh chóng để bù đắp cho sự suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi đội Không quân Indonesia", Edwin Adrian Sumantha, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng, cho biết trong một tuyên bố.
Quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã tìm cách đại tu phi đội không quân cũ kỹ, bao gồm các máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất và các máy bay phản lực Sukhoi Su-27 và Su-30 của Nga.
Trước đó, Indonesia từng có kế hoạch mua Su-35 của Nga thay thế các máy bay F-5 Tiger, nhưng thương vụ bất thành vì Jakarta chịu áp lực từ Mỹ về lệnh trừng phạt tiềm tàng nếu mua vũ khí Moscow.
Indonesia tuyên bố có kế hoạch khác nâng cấp phi đội máy bay nhưng sẽ mất thời gian.
Hồi tháng 2, nước này đã đạt được thỏa thuận đặt mua 42 máy bay chiến đấu Rafale với giá 8,1 tỷ USD. Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto cho biết kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-15 cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện và chờ phê duyệt cuối cùng từ chính phủ.