1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia dừng trục vớt tàu ngầm bị chìm cùng 53 thủy thủ

Thành Đạt

(Dân trí) - Indonesia đã chính thức ngừng nỗ lực trục vớt tàu ngầm bị chìm cùng 53 thành viên thủy thủ đoàn sau hơn 1 tháng tìm kiếm.

Indonesia dừng trục vớt tàu ngầm bị chìm cùng 53 thủy thủ - 1

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia gặp nạn khi tập trận ngư lôi sáng 21/4 (Ảnh: Reuters).

Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono ngày 2/6 cho biết nước này không có kế hoạch tiếp tục nỗ lực trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala-402.

"Việc trục vớt đã kết thúc", ông Widjojono nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng một phần tàu ngầm vẫn nằm dưới đáy biển.

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 chở 53 người liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào lúc 3 giờ sáng ngày 21/4 ở vùng biển ngoài khơi Bali. Tàu dự kiến thực hiện một cuộc diễn tập phóng ngư lôi sau khi xin phép lặn xuống biển sớm. Tuy nhiên, tàu bị mất liên lạc sau đó.

Sau nỗ lực tìm kiếm quy mô lớn với sự hỗ trợ của nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Australia và Malaysia, Indonesia phát hiện xác con tàu hôm 25/4 ở độ sâu hơn 800 m, cách không xa nơi con tàu đã lặn xuống. Toàn bộ 53 thủy thủ trên tàu đều được xác nhận đã thiệt mạng.

Trung Quốc đã triển khai 3 tàu hỗ trợ Indonesia tìm kiếm và trục vớt tàu ngầm gặp nạn. Tuy nhiên, việc trục vớt vẫn gặp nhiều khó khăn.

Một số ý kiến cho rằng, con tàu 44 tuổi này gặp nạn do đã quá cũ và chở quá số người quy định (tối đa 38 người). Tuy nhiên hải quân Indonesia loại trừ giả thuyết con tàu gặp nạn do lỗi con người, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng thảm kịch là do sai sót trong quá trình nâng cấp.

Vụ chìm tàu ngầm đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về vấn đề an toàn kỹ thuật của các khí tài quân sự Indonesia. Indonesia từng sở hữu 12 tàu ngầm, nhưng hiện chỉ còn 5 tàu ngầm, trong đó 2 tàu do Đức đóng và bàn giao năm 1981, và 3 tàu ngầm mới hơn do Hàn Quốc chế tạo.