1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia có thể mua tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới của Nga - Ấn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Indonesia có thể sẽ mua BrahMos do liên doanh Nga - Ấn Độ sản xuất, dòng tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới.

Indonesia có thể mua tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới của Nga - Ấn - 1

Tổ hợp tên lửa BrahMos của quân đội Ấn Độ (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, công ty quốc phòng BrahMos Aerospace dự kiến sẽ chốt một thỏa thuận trong năm nay để bán tên lửa hành trình siêu thanh Atul D. Rane trị giá ít nhất 200 triệu USD cho Indonesia.

Giám đốc BrahMos Aerospace Atul D. Rane cho biết, công ty này muốn mở rộng sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á. Năm ngoái, Philippines đã duyệt chi gần 375 triệu USD để mua Brahmos, trở thành nước đầu tiên mua dòng tên lửa này.

BrahMos Aerospace đã đàm phán với Indonesia trong một thời gian dài về thương vụ này. Quy mô của thương vụ dự kiến vào khoảng 200-350 triệu USD.

"Hiện thời, tôi có một đội ngũ ở Jakarta (để thương thảo). Quân đội Indonesia đang rất hứng thú với thương vụ", ông Rane nói.

Phía Indonesia chưa bình luận về thông tin này.

BrahMos là cái tên ghép giữa sông Brahmaputra của Ấn Độ và sông Moskva của Nga và hiện là tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới với tốc độ Mach 2,8 (gần 3.500 km/h), theo RT. Ngoài phiên bản phóng từ mặt đất, BrahMos còn có biến thể phóng từ máy bay, tàu chiến hoặc tàu ngầm. Phiên bản nâng cấp của tên lửa này có thể có tầm bay lên tới 500 km.

BrahMos có thể được triển khai để làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và tấn công mặt đất. Nó sẽ tăng cường sức mạnh hỏa lực của quân đội Philippines khi đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng trong khu vực.

Theo dữ liệu từ công ty tình báo quốc phòng Janes, Indonesia và Philippines đã tăng cường chi tiêu cho việc mua sắm vũ khí và các thiết bị quân sự khác trước các diễn biến ngày càng phức tạp ở khu vực. 

Dữ liệu cho thấy đầu tư của Indonesia vào việc mua vũ khí mới đã tăng gần 28% vào năm 2021 và 69% vào năm 2022, trong khi Philippines tăng 29% vào năm 2021 và 40% vào năm 2022 - cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Đông Nam Á. 

Theo Reuters