Indonesia bắt giữ Chủ tịch Hạ viện trong đại án tham nhũng 170 triệu USD
Chủ tịch Hạ viện Indonesia Setya Novanto đã bị Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của quốc gia này bắt giữ để điều tra về cáo buộc đã biển thủ tới 170 triệu USD công quỹ.
Việc bắt giữ Chủ tịch Hạ viện Indonesia Setya Novanto diễn ra vào đêm ngày 19-11 và do lực lượng của Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng là Ủy ban Bài trừ Tham nhũng Indonesia (KPK) tiến hành. Lệnh bắt giữ ông Setya Novanto được phát đi từ ngày 17-11, song do ông này nhập viện vào ngày 16-11 với lý do “tai nạn xe hơi” nên chưa được tiến hành. Tuy nhiên, ngay sau khi bác sĩ xác nhận ông Setya Novanto “không cần điều trị tại bệnh viện nữa”, lực lượng KPK đã lập tức tiến hành bắt giữ vị Chủ tịch Hạ viện trong trạng thái sức khỏe bình thường.
Trước khi bắt giữ ông Setya Novanto, các nhân viên KPK đã khám xét đột xuất nhà riêng của ông ở phía Nam Thủ đô Jakarta. Các nguồn tin cho biết, nhân viên KPK đã tịch thu một vali gồm tài liệu, các hồ sơ và hình ảnh của hệ thống camera giám sát ngôi nhà của ông Setya Novanto.
Vụ bê bối tham nhũng liên quan tới ông Setya Novanto vỡ lở từ khá lâu sau thời gian dài điều tra, Chủ nhiệm KPK Agus Rahardjo hồi trung tuần tháng 7 vừa qua đã tuyên bố, KPK đã có đủ bằng chứng cho thấy ông Setya Novanto tham gia vào vụ biển thủ tới 1/3 số tiền thực hiện dự án chứng minh nhân dân điện tử (e-ID) trong thời gian từ năm 2011 đến 2012. Dự án này có tổng chi phí khoảng 440 triệu USD và 1/3 số tiền, tức khoảng 170 triệu USD, đã bị các quan chức như ông Setya Novanto biển thủ.
Dự án e-ID là chương trình thẻ chứng minh nhân dân điện tử quốc gia triển khai ở Indonesia để thay thế cho các giấy tờ liên quan tới quản lý dân cư kiểu cũ. Các khoản tiền trị giá từ 5.000 USD đến 5,5 triệu USD phát sinh từ việc đội giá chi phí làm thủ tục đã bị giới chức Quốc hội biển thủ và chia nhau.
Hiện KPK đang khẩn trương điều tra đại án tham nhũng liên quan đến một mạng lưới gồm khoảng 80 đối tượng và một số công ty lợi dụng việc đưa hệ thống căn cước điện tử trị giá 440 triệu USD để biển thủ số tiền ngân sách rất lớn. Nhiều nhân vật chủ chốt trong liên minh cầm quyền bị cáo buộc dính líu vào vụ bê bối biển thủ công quỹ hơn 170 triệu USD này, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Novanto cùng khoảng 40 thành viên và cựu thành viên của Ủy ban Phụ trách vấn đề nhà ở. Trong số các “VIP” bị tố “dính chàm” có cả Bộ trưởng Tư pháp Yasonna Laoly và cựu Bộ trưởng Nội vụ.
Ông Setya Novanto từ trước tới nay vẫn lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình cũng như không trình diện theo lệnh triệu tập để thẩm vấn trong vài tháng gần đây với các lý do như ốm, phẫu thuật tim… và mới đây là bị “tai nạn ô tô”. Trước khi ông Setya Novanto bị bắt vài ngày, luật sư riêng của ông cũng đã gửi đơn kháng án trước phiên xét xử cáo buộc tham nhũng đối với ông, dự kiến sẽ diễn ra ngày 30-11 tới tại Tòa án quận Nam Jakarta.
Trước cáo buộc biển thủ công quỹ trong dự án e-ID, ông Setya Novanto từng xin từ chức vào tháng 12-2015 sau khi thừa nhận việc đòi chia cổ phần của chi nhánh Tập đoàn Khai khoáng Mỹ Freeport-McMoRan tại nước này.
Ông Setya Novanto bị tố cáo đã đòi Freeport-McMoRan phải “chia chác” số tiền lên tới hàng chục triệu USD, song do không bị truy tố sau đó nên ông đã được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, theo giới quan sát tại Indonesia, Setya Novanto lần này không còn gặp may bởi đã có những bằng chứng về việc ông đóng vai trò then chốt trong đại án tham nhũng 170 triệu USD.
Theo Hoàng Tuấn
An ninh thủ đô