1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ

“Hy vọng Thủ tướng VN sẽ truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo khác”

(Dân trí) - Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại VN, đã bày tỏ hy vọng Thủ tướng VN, khi đọc diễn văn tại Đại hội đồng LHQ, sẽ truyền cảm hứng cho các vị lãnh đạo khác khi chia sẻ kinh nghiệm của VN giảm được 1/3 người nghèo trong chưa đầy 10 năm.

 
“Hy vọng Thủ tướng VN sẽ truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo khác”
Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại VN

Vào sớm mai, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, sẽ có bài phát biểu tại kỳ họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ. Nhân sự kiện này, bà Pratibha Mehta, đã có bài viết gửi báo Dân Trí về những đánh giá và kỳ vọng sắp tới đối với tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam.

 

Theo bà Pratibha Mehta, kỳ họp của Đại hội đồng LHQ diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi sâu sắc trên toàn cầu. Bên cạnh những tiến bộ to lớn thế giới đã đạt được, vẫn còn những bất đồng, vẫn còn những cuộc xung đột dai dẳng, vẫn tồn tại tình trạng không có việc làm, xói mòn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Bà hy vọng, khi Thủ tướng Việt Nam đọc diễn văn tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng sẽ truyền cảm hứng cho các vị lãnh đạo khác khi chia sẻ với họ kinh nghiệm của Việt Nam đã giảm được một phần ba người nghèo trong chưa đầy 10 năm.

 

8 Mục tiêu phát triển Thiên niên Kỷ
1. Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn

2. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học

3.Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ

4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em

5. Cải thiện sức khỏe bà mẹ

6. Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác

7. Đảm bảo sự bền vững của môi trường

8. Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển

Theo bà, “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đầy ấn tượng hướng tới việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đến năm 2015. Việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ, cải thiện sức khoẻ và tăng cường khả năng tiếp cận với giáo dục đã mang lại niềm hy vọng cho hàng triệu công dân Việt Nam và gia đình của họ.”

 

Và bà nhận định, đó là “những thành tựu to lớn mà Việt Nam có quyền tự hào và là niềm hy vọng và triển vọng cho các quốc gia khác”.

 

Tuy nhiên, theo bà, để thực hiện được tất cả 8 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam vẫn cần tiếp tục phấn đấu ở 3 mục tiêu, đó là cuộc chiến chống HIV, bảo đảm tính bền vững về môi trường và phát triển quan hệ đối tác.

 

Bà cũng lưu ý ở 5 mục tiêu mà Việt Nam đã thực hiện được hoặc có khả năng thực hiện được ở cấp quốc gia cho đến năm 2015, tiến độ thực hiện còn chênh lệnh giữa các tỉnh, huyện và xã, vùng dân tộc…

 

Bà Pratibha Mehta cho rằng: “Chúng ta đang tiến nhanh đến thời hạn 2015, nhưng ở phía trước còn nhiều thách thức và thời gian không cho phép chúng ta nghỉ ngơi sau thành công đạt được. Đây chính là lúc chúng ta cần đặt ra chương trình nghị sự phát triển mới cho tương lai để duy trì đà phát triển sau năm 2015.”

 

Theo bà, chương trình nghị sự phát triển mới cho giai đoạn sau năm 2015 phải duy trì, thậm chí là thúc đẩy hơn nữa được đà phát triển đã có.

 

Bà cũng cho biết, “trong 12 tháng qua, để góp phần xây dựng một “Thế giới mà chúng ta mong muốn”, Liên hợp quốc đã thu thập quan điểm và tiếng nói của hơn một triệu người trên toàn thế giới. Việt Nam đã có vai trò tích cực trong quá trình này và giờ đây Việt Nam có tiếng nói rất đáng tin cậy trong việc hình thành chương trình nghị sự phát triển cho giai đoạn sau năm 2015.”

 

PV