1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp đổi mới của Thủ tướng khiến giới chuyên gia phấn chấn

(Dân trí) - Phát biểu trong chuyến công du Mỹ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ khiến các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, và mở cửa hơn nữa ngành ngân hàng. Thông tin này đã khiến các chuyên gia quốc tế rất phấn chấn.

Thông điệp đổi mới kinh tế của Thủ tướng làm chuyên gia quốc tế phấn chấn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc phỏng vấn với hãng tin tài chính Bloomberg tại New York hôm 27/9

Thông tin được hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ đăng tải. Theo đó trong cuộc phỏng vấn tại New York hôm 27/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong vòng 5 năm tới các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng, là “lĩnh vực tư nhân không thể hoặc không muốn đầu tư”.

Các doanh nghiệp nhà nước sẽ cần phải “hoạt động trong nền kinh tế thị trường”, Bloomberg dẫn lời Thủ tướng. “Chúng tôi sẽ đối xử với họ bình đẳng như những doanh nghiệp khác”.

Hiện đã có kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp như Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tập đoàn bưu chính viễn thông và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Thủ tướng cho biết.

Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ cũng khẳng định sẽ cho phép các công ty nước ngoài sở hữu tối đa 49% cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam “trong tương lai gần”.

Về vấn đề tỷ giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết chính phủ có kế hoạch tăng tỷ giá thêm 2% nữa trong năm nay.

“Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những sự sụt giảm mạnh, do tăng trưởng tín dụng chậm xuất phát từ việc các ngân hàng bị gánh nặng nợ xấu kìm hãm, mà nợ xấu phát sinh từ các doanh nghiệp nhà nước chiếm phần lớn. Việc loại bỏ sự bảo vệ đối với các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp Việt Nam dễ tiếp cận hơn với thị trường Mỹ, để củng cố nền kinh tế và tăng cường quan hệ ngoại giao”, bài viết nhận định.

Tăng tỷ giá

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài gần một giờ với Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đang cân nhắc cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng và công ty viễn thông.

Hiện tổng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại bất kỳ ngân hàng nào được giới hạn ở 30%, trong khi tỷ lệ nắm giữ của một nhà đầu tư nước ngoài riêng lẻ là 20%. Những hạn chế này đã làm giảm sự quan tâm của thị trường nước ngoài với các ngân hàng Việt Nam, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s nhận định trong một bản nghiên cứu công bố hồi tháng trước.

Chính phủ có kế hoạch nâng tỷ giá bởi hiện VNĐ đang bị định giá cao so với đô la Mỹ, Thủ tướng cho biết. Thời gian cụ thể của việc tăng tỷ giá “tùy thuộc vào thị trường”.

Việt Nam đã tăng tỷ giá thêm 1% hồi tháng 6 vừa qua, và là đợt tăng đầu tiên từ năm 2011. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với giá trị VNĐ trong năm nay sẽ nằm trong ngưỡng 3%. Kể từ đầu năm, tỷ giá đã tăng 1,3% trong khi tại các nước châu Á khác như Philippines và Malaysia đồng tiền của các nước này đã mất giá ít nhất 5% so với USD.

Bước đi “rất thông minh”

Trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng cho biết số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã giảm từ 12.000 trước đây xuống còn 1.300. “Chúng tôi sẽ thu hẹp lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Trọng tâm là chủ yếu tập trung vào hạ tầng”.

Thông điệp của Thủ tướng về việc khiến các doanh nghiệp Nhà nước cạnh tranh bình đẳng được các chuyên gia quốc tế đón nhận đầy phấn chấn.

“Cứ mỗi 6 tháng, chúng tôi lại nêu lên câu hỏi về sân chơi bình đẳng ở cấp cao nhất của chính phủ”, ông Alain Cany, đồng chủ tịch Diễn đàn kinh tế Việt Nam trả lời Bloomberg.

“Nếu ngài Thủ tướng tuyên bố điều này tại nước Mỹ trước công chúng thì có lẽ đây là tuyên bố đáng khích lệ nhất tôi được nghe trong nhiều năm qua. Việt Nam cần những hành động như vậy để có thể trở lại với tốc độ tăng trưởng 7% trước đây”, ông Alain Cany nói thêm.

Trong khi đó, bà Susan Schwab, cựu đại diện thương mại Mỹ giai đoạn 2006 - 2009 nhận định chính phủ Việt Nam đã có bước đi “rất thông minh”, khi thực hiện kế hoạch cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng để nhanh chóng gia nhập hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP

“Sẽ là rất thông minh khi chính phủ Việt Nam thực hiện những gì họ lên kế hoạch, đó là cải cách doanh nghiệp nhà nước, và xem đó như nghĩa vụ của mình trong TPP. Bạn thực hiện những cải cách mà bản thân bạn muốn thực hiện, và bên cạnh liều thuốc đó còn nhận được “chất làm ngọt” đó là khả năng tiếp cận thị trường, và toàn bộ lợi ích bạn nhận được từ một hiệp định thương mại”, bà Schwab khẳng định.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg