1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn một số hãng thông tấn quốc tế

Phát triển quan hệ hợp tác Việt - Mỹ không nhằm chống nước thứ ba nào khác

Ngày 27/9/2013, tại New York, Mỹ, nhân tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên các hãng thông tấn Bloombergs, ITAR-TASS, Kyodo và Yohap.


 

Thượng viện Mỹ không nên thông qua “đạo luật nhân quyền Việt Nam”

 

Cho rằng, Việt Nam đang theo đuổi chính sách quan hệ ngày càng mạnh với Mỹ, phóng viên của Bloombergs đặt câu hỏi: Mục tiêu của việc đó là vì thương mại, an ninh hay vì Trung Quốc?

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam đang nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc trên thế giới; phấn đấu là thành viên tích cực, xây dựng, có trách nhiệm trong khu vực và của cộng đồng quốc tế. Tất cả nỗ lực của Việt Nam đều nhằm các mục tiêu hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển. Việc Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ cũng chính vì các mục tiêu đó, không có mục đích nào khác.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn quốc tế.

 

Về cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri sáng 27-9 tại Niu Y-oóc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, đó là cuộc trao đổi thành công và hai bên đã nhất trí nhiều việc phải làm trong thời gian tới để thực hiện Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã ký hồi tháng 7 vừa qua.

 

Phóng viên của Bloombergs cũng đặt câu hỏi rằng, liệu mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ có bị ảnh hưởng bởi "đạo luật nhân quyền Việt Nam” mà Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ thông qua trong tháng 11 tới? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng, nếu đạo luật đó được thông qua thì đó sẽ là một bước lùi trong quan hệ giữa hai nước vì luật đó không những không phản ánh đúng với thực tế ở Việt Nam, mà còn là sự can thiệp, áp đặt ý định chính trị vào nước khác. Là một quốc gia văn minh, Mỹ không nên làm điều đó. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói với Ngoại trưởng Ke-ri rằng, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, trong đó Mỹ tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị ở Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ nói sẽ làm hết sức mình để đạo luật đó không được thông qua và trên thực tế ông đã làm điều này từ nhiều năm qua.

 

Về cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ gần đây, liệu có tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng. Nhưng hợp tác giữa hai nước không ngoài mục tiêu hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển vì lợi ích của nhau, không có việc hợp tác với nhau chống bất kỳ nước thứ ba nào khác.

 

Chủ quyền là giới hạn không thể vượt qua

 

Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam - Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Sự trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc có lợi cho khu vực và cả thế giới, nhưng với điều kiện Trung Quốc cũng phải tôn trọng độc lập chủ quyền của nước khác, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982), đồng thời phải vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng.

 

Trả lời câu hỏi của hãng tin Reuters: Vấn đề Biển Đông có ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc và liệu Việt Nam có nêu vấn đề này tại Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trên thực tế có sự khác biệt giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN về tranh chấp trên Biển Đông, nhưng tranh chấp đó đã được Trung Quốc và ASEAN thảo luận và đã đưa ra được Tuyên bố về cách ứng xử của các bên có liên quan ở Biển Đông (DOC). Ba nội dung chính của DOC gồm: Thứ nhất, các bên liên quan phải giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình. Thứ hai, mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không đe dọa và sử dụng vũ lực. Và, thứ ba là các bên liên quan bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện DOC, các nước nhận thấy rằng, DOC chưa đủ điều kiện và hiệu lực để bảo đảm hòa bình, nên cần phải được đẩy lên mức ràng buộc cao hơn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Sau một thời gian dài tranh cãi giữa hai bên, cuối cùng điều đáng mừng đã đến. Đó là mới đây tại thành phố Tô Châu của Trung Quốc, Trung Quốc và ASEAN đã lần đầu tiên đồng ý sẽ họp về COC. Đây là bước đầu tiên tiến tới COC rất đáng khích lệ. Để có COC sẽ phải trải qua cả một tiến trình phức tạp, nhưng rõ ràng bước đầu đã có tiến triển. Có COC sẽ có hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở Biển Đông, vì lợi ích không chỉ của các nước trong khu vực mà của cả các nước khác trên thế giới, nhất là khi ½ lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua khu vực Biển Đông. Mọi xung đột khi xảy ra ở Biển Đông đều gây ảnh hưởng tới toàn cầu…

 

Một câu hỏi khác của Reuters: Chúng tôi hiểu rằng, sẽ là rất tốt nếu các bên ngồi lại được với nhau. Nhưng, Việt Nam và các nước ASEAN có đặt ra giới hạn không thể vượt qua trong vấn đề Biển Đông?

 

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đó chính là vấn đề chủ quyền. Mọi nước khác trên thế giới đều đặt ra giới hạn và coi đó là giới hạn đỏ không ai được phép vượt qua.

 

Việt Nam đang phấn đấu hết mình cho hòa bình và phát triển

 

Về vai trò của Việt Nam trong Liên hợp quốc trong câu hỏi do phóng viên ITAR-TASS đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, Việt Nam là thành viên LHQ và từng được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam đã và đang phấn đấu hết mình trong LHQ trên tất cả các lĩnh vực với hai trụ cột chính của LHQ là HÒA BÌNH và PHÁT TRIỂN. Việt Nam đóng góp hết sức mình, có trách nhiệm và hiệu quả vào hai trụ cột này. Vì vậy, bài phát biểu của Thủ tướng tại Đại hội đồng LHQ chiều 27-9 có chủ đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không có nghèo đói”. Việt Nam chính thức tuyên bố sẽ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, và Việt Nam không chỉ là nước hàng đầu thế giới về sản xuất lúa gạo, lương thực mà Việt Nam còn góp phần bảo đảm tự trang trải và bảo đảm an ninh lương thực. Việt Nam đang làm hết sức mình để tham gia hiệu quả vào hai sứ mệnh hòa bình và phát triển của LHQ.

 

An toàn hạt nhân - mối quan tâm không chỉ của Việt Nam

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng gặp những đại diện của các hãng thông tấn có uy tín này và sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà họ quan tâm. Phóng viên của hãng Kyodo đề nghị cho biết quan điểm của Thủ tướng về an toàn điện hạt nhân, khi Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân và trong khi Nhật Bản đang phải gánh chịu hậu quả của thảm họa hạt nhân?

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, an toàn hạt nhân là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại. Việt Nam nhận thức rằng, muốn bảo đảm năng lượng cho phát triển không thể không phát triển năng lượng hạt nhân. Sự cố hạt nhân ở Nhật Bản là rủi ro đáng tiếc, nhưng lại đặt ra cho thế giới yêu cầu phát triển điện hạt nhân an toàn hơn và hiệu quả hơn. Việt Nam đang chủ trương xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với công suất 2000mw/nhà máy với yêu cầu công nghệ hiện đại, được kiểm chứng. Nga và Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng hai nhà máy này cả về công nghệ lẫn vốn. Chính phủ Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Nga về các yêu cầu trên.

 

Thực tế cho thấy, cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

 

Theo Kim Thanh

Quân đội nhân dân