1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hy Lạp được cứu nguy tài chính với điều kiện “thắt lưng buộc bụng”

(Dân trí) - Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã thành công trong cuộc vận động giới lãnh đạo các nước Âu châu và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra một kế hoạch cứu nguy tài chính thứ hai.

 
Hy Lạp được cứu nguy tài chính với điều kiện “thắt lưng buộc bụng” - 1
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou còn phải thuyết phục các nhà lập pháp trong nước.

Thủ tướng Papandreou nói kế hoạch cứu nguy mới cũng tương tự về mức độ quy mô với kế hoạch đầu tiên trị giá 160 tỉ USD, đã được giải ngân dần dần với điều kiện chính phủ Hy Lạp ở Athens phải thông qua các biện pháp cải cách kinh tế sâu rộng.

Trong một tuyên bố trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng EC cùng IMF, Ngân hàng Trung ương Âu châu và các giới thẩm quyền Hy Lạp đã đạt được một thỏa thuận làm hài lòng đôi bên về một loạt biện pháp để trám khoản thâm hụt tài chính của Hy Lạp trong các năm từ 2011 đến 2014.

Giới lãnh đạo EU và các chủ nợ của Hy Lạp nói rằng thỏa thuận này phải biến thành những biện pháp lập pháp cụ thể trước cuối tháng 6, trước khi giải ngân ngân khoản kế tiếp trị giá 17 tỉ USD, trong kế hoạch cứu nguy có kinh phí tổng cộng 160 tỉ USD của năm ngoái.

Hiện, Thủ tướng Hy Lạp phải thuyết phục các nhà lập pháp trong nước thỏa thuận về các biện pháp khắc khổ trước khi các ngân khoản cứu nguy được tháo khoán.

Trong khi chờ đợi, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkosy nói các ngân hàng và công ty bảo hiểm Pháp, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, đã đồng ý đóng góp vào kế hoạch cứu nguy cho Hy Lạp.

Sự bất lực của châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp đã làm cho Mỹ sốt ruột. Thậm chí, tại Washington, một số nghị sĩ Mỹ còn sử dụng vấn đề này để gây sức ép với chính quyền Obama.

Theo kinh tế gia Domenico Lombardi, thuộc Viện Brookings ở Washington, Mỹ theo dõi cuộc khủng hoảng đồng euro ngay từ đầu. Họ hiểu được nguy cơ bùng nổ tiềm tàng mà cuộc khủng hoảng có thể gây ra đối với thế giới và nền kinh tế Mỹ.

Hôm 22/6, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke thừa nhận nếu trong tương lai Hy Lạp không thể thanh toán được một phần nợ của mình, thì nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu những tác động đáng kể do những căng thẳng trên thị trường tài chính quốc tế.

Việt Hà
Theo Wall StreetJournal, AFP