1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hy Lạp bước một chân ra khỏi Eurozone

Hy Lạp đã không thể trả khoản vay 1,5 tỷ euro đúng hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30/6 và chính thức bị tuyên bố là vỡ nợ đối với khoản vay của IMF.

Động thái này đồng nghĩa với việc Hy Lạp đã bước một chân khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với tương lai u ám.

Hy Lạp bước một chân ra khỏi Eurozone
Vỡ nợ luôn là thời kỳ rất đau đớn với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt nếu việc này ngoài dự đoán và không theo trật tự.

Toàn bộ hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đã phải đóng cửa để ngăn dân chúng rút sạch tiền trong các tài khoản, thị trường chứng khoán tê liệt, nhiều nhà đầu tư rút chạy. Hình ảnh hoảng loạn này đã từng xảy ra cách đây 15 năm về trước tại Argentina khi quốc gia Nam Mỹ này bị phá sản.

Vỡ nợ luôn là thời kỳ rất đau đớn với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt nếu việc này ngoài dự đoán và không theo trật tự. Người gửi tiền và nhà đầu tư trong nước lo ngại sẽ đổ xô rút tiền ra khỏi ngân hàng và chuyển chúng ra nước ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ sẽ đóng cửa ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Như trong trường hợp mới nhất của Hy Lạp, từ đầu tuần qua, nước này đã quyết định đóng cửa thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng trong một tuần, đồng thời hạn chế lượng tiền mặt rút ra mỗi ngày và các giao dịch thanh toán với nước ngoài.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới đây, đa số cử tri Hy Lạp bỏ phiếu chống các đề nghị của các định chế quốc tế gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), IMF và Ủy ban châu Âu, thì Athens gần như chỉ còn con đường duy nhất là bỏ đồng euro và khẩn cấp thay thế bằng đồng nội tệ drachma trước đây.

Việc ra khỏi Eurozone sẽ là thảm họa cho Hy Lạp. Không có gì đảm bảo rằng nền kinh tế Hy Lạp sau khi thoát khỏi các hạn chế, ràng buộc của Eurozone sẽ trở nên thịnh vượng. Ngân hàng Hy Lạp đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm có thể diễn ra sau đó: suy thoái trầm trọng với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập giảm mạnh.
 
Các khoản tiền tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ bị mất giá. Hy Lạp sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến cho khả năng phục hồi nhanh chóng càng trở nên xa vời. Điều này càng thể hiện rõ qua việc Thủ tướng Đức Angela Merken vừa tuyên bố Hy Lạp sẽ không nhận được thêm bất cứ khoản vay mới nào nếu không trả nợ cho IMF. IMF cũng khẳng định Athens chỉ có thể nhận thêm tiền từ IMF trừ khi khoản nợ trên được xóa.

Đối với EU, các nền chính trị ở khu vực này đan xen gắn bó mật thiết với nhau, cho nên khó có chuyện việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone lại không gây ảnh hưởng tới các nước trong khối. Hy Lạp ra đi sẽ là sự khởi đầu của hiệu ứng "domino" rất dễ xảy ra và sẽ làm thay đổi cách nhìn về việc sử dụng đồng euro.

Người dân Hy Lạp tuần hành tại Athens phản đối chính phủ ngày 29/6. (Ảnh:
Người dân Hy Lạp tuần hành tại Athens phản đối chính phủ ngày 29/6. (Ảnh: AFP-TTXVN)
 
Hy Lạp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế thế giới. Thế nhưng vai trò của Hy Lạp trong một trong các loại tiền tệ lớn trên thế giới khiến cho việc nước này rút ra không phải chỉ là chuyện rũ bỏ xong mọi thứ. Các thị trường chứng khoán đã trồi sụt mỗi khi có những tin đồn đoán về việc có thỏa thuận nào đó đạt được hay không và nhiều khả năng sẽ hỗn loạn hơn nữa nếu Hy Lạp rời Eurozone.
 
Các chủ nợ của Hy Lạp như ECB và các nước châu Âu khác cũng sẽ đối diện với các khoản thiệt hại ngay lập tức. Hy Lạp đang nợ đến 242,8 tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế, trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất, tiếp theo là Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Thiệt hại sẽ rất lớn cho cả EU. Các nhà lãnh đạo EU đều ý thức rất rõ được điều đó. Cho đến thời điểm này, chưa lãnh đạo một nước nào trong EU, kể cả Đức và Pháp, tuyên bố muốn đẩy Hy Lạp khỏi Eurozone. Giải pháp được xem là hợp tình hợp lý nhất vào lúc này là gia hạn nợ cho Hy Lạp giúp nước này "dễ thở" hơn một chút về ngân sách.
 
Lịch trả nợ và lãi của Hy Lạp, sau năm 2020, đã được kéo dài, đặc biệt là đối với các khoản vay song phương. Nhưng từ nay đến đó, Athens có nhiều khoản phải thanh toán cho IMF và ECB, nhất là trong mùa Hè này. Theo các chuyên gia kinh tế, vào lúc này, phải giúp Hy Lạp, trước mắt là giải ngân hơn 7 tỷ euro, vốn bị ngưng lại từ mùa Hè năm ngoái, sau đó cần đưa ra một kế hoạch hỗ trợ tài chính mới cho Hy Lạp (đó sẽ là kế hoạch thứ ba kể từ năm 2010) và đẩy lùi các cuộc thảo luận về nợ.
 
Xa hơn nữa, các đối tác EU của Hy Lạp cần xem xét cơ cấu lại nợ của Hy Lạp. Cho dù trước mắt, sự "sống còn" của Hy Lạp không phụ thuộc vào vấn đề này, nhưng về lâu dài, đây là hồ sơ không thể tránh né.

Nếu như mấy ngày hôm trước, quả bóng đang nằm trên phần sân của Hy Lạp thì lúc này số phận của Hy Lạp và tương lai của Eurozone lại phụ thuộc vào các đối tác của Athens. Không thể chấp nhận thêm nữa các biện pháp thắt chặt chi tiêu mang tính khắc khổ, chính phủ Hy Lạp đã đẩy trách nhiệm sang phía EU và IMF. Họ buộc các chủ nợ này phải hành động nếu không sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới của Eurozone. Rõ ràng, những nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu suốt 5 năm qua nhằm giữ Hy Lạp ở lại Eurozone đang có nguy cơ "đổ xuống sông xuống bể".

Theo Thanh Bình (TTXVN)