1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều gì tiếp theo đang chờ Hy Lạp “cuối đường hầm”?

(Dân trí) - Hy Lạp đã không thể hoàn trả nợ cho IMF vào phút chót, và đề xuất gia hạn nợ, cấp thêm khoản vay mới của chính phủ nước này cũng bị châu Âu bác bỏ. Quốc gia Nam Âu đang tiến sâu vào “đường hầm” bất ổn với nhiều rủi ro khó lường.

Thời hạn chót để Hy Lạp hoàn trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã qua mà chính quyền Athens không thể thực hiện nghĩa vụ của mình, sau khi Bộ trưởng các nước Eurozone từ chối gia hạn chương trình cứu trợ hiện tại.

Tương lai của Hy Lạp tại EU đang đầy bất ổn (Ảnh:
Tương lai của Hy Lạp tại EU đang đầy bất ổn (Ảnh: EPA)

Như vậy, Hy Lạp đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên phát sinh nợ quá hạn với IMF. Ngày 20/7 tới, một khoản nợ lớn hơn lên tới 3,46 tỷ euro Hy Lạp vay từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ đến hạn. Liệu điều gì tiếp theo đang chờ đợi quốc gia này?
 
Sau đây là dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Nếu Athens đạt được thỏa thuận phút chót với chủ nợ…

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hồi tuần trước đã kêu gọi trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới, về việc có hay không chấp thuận một loạt yêu cầu cải cách được các chủ nợ quốc tế đưa ra, để đổi lại việc Hy Lạp nhận được các khoản cứu trợ mới. Đây cũng được xem như cuộc trưng cầu dân ý về việc nước này sẽ ở lại hay rời khỏi EU.

Hiện tại chính phủ Hy Lạp đang kêu gọi người dân bỏ phiếu phản đối các yêu cầu cải cách tài khóa. Nếu ông Tsipras nhận thấy mình có khả năng thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, ông có thể sẽ chấp thuận một thỏa hiệp tạm thời nào đó với các chủ nợ trong tuần này.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ nhật này là một phần trong thỏa thuận với các chủ nợ và thỏa thuận đó đã hết hiệu lực trong ngày thứ Ba. Do vậy, rất có thể khi người dân Hy Lạp đi bỏ phiếu cuối tuần này, các điều khoản đó không còn giá trị.

“Thứ Ba là ngày cuối cùng các đề xuất còn hiệu lực. Do vậy nếu không đạt được sự đồng thuận, chúng ta sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật cho một đề xuất đã không còn tồn tại”, Simos Anastasopoulos, chủ tịch Phòng thương mại Mỹ - Hy Lạp nhận xét.

Nếu Tsipras chấp thuận các điều khoản và điều kiện chủ nợ đưa ra, điều đó có khả năng dẫn tới việc đảng Syriza của ông - vốn đắc cử với chủ trương chống thắt lưng buộc bụng - sẽ buộc Thủ tướng phải từ chức.

Hari Tsoukas, giáo sư về khoa học tổ chức tại trường kinh doanh Warwick, Anh cho rằng, ông Tsipras sẽ chờ tới trưng cầu dân ý, một phần bởi ông không muốn đưa ra quyết định đầy “đau đớn” vốn có thể gây chia rẽ trong nội bộ đảng mình. “Ông ấy muốn chuyền quả bóng cho người dân bởi ông ta có ý định dùng trưng cầu dân ý như một công cụ thương lượng”, Tsoukas nhận định.

Người biểu tình Hy Lạp phản đối các điều khoản của chủ nợ (Ảnh:
Người biểu tình Hy Lạp phản đối các điều khoản của chủ nợ (Ảnh: AP)

Nếu bỏ phiếu “Có”

Theo các nhà kinh tế, người dân Hy Lạp có khả năng cao sẽ bỏ phiếu “Có” trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, đồng nghĩa với chấp thuận các điều kiện của chủ nợ. Điều này cũng có nghĩa Hy Lạp tiếp tục là thành viên Eurozone.

Nhưng những lá phiếu “Có” cũng có nghĩa là “dư luận đã mất niềm tin vào chính phủ của ông Tsipras cũng như đảng Syriza”, Clem Miller, nhà quản lý danh mục đầu tư tại quỹ Wilmington Trust nhận định. Một khi Alexis Tsipras phải ra đi, một chính phủ tạm quyền sẽ được thành lập tại Hy Lạp.

“Hy Lạp sẽ đưa ai đó lên… một người được châu Âu cũng như các đảng phái chính trị khác kính trọng để hoàn tất các thương thảo”, Miller nói.

Nếu bỏ phiếu “Không”

Nếu người Hy Lạp bỏ phiếu “Không” với các điều kiện của chủ nợ, chính phủ nước này sẽ có được vị thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán. Chính phủ do đảng Syriza dẫn đầu sẽ tiếp tục tại vị, nhưng các chủ nợ sẽ chấm dứt các khoản cho vay khẩn cấp với Athens.

Vấn đề hiện tại là Hy Lạp vẫn chưa nói rõ họ định làm gì nếu điều này xảy ra, Anastasopoulos cho biết.

Việc Athens từ chối các điều kiện chủ nợ đưa ra sẽ kéo theo một loạt rắc rối. Hy Lạp sẽ rời Eurozone, đồng nội tệ cũ drachma được lưu hành trở lại. ECB có thể chấm dứt hoàn toàn hoặc hầu hết các khoản cho vay hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp, với lập luận họ xem các ngân hàng này đã phá sản.

Và trong thời gian đó, người dân sẽ tiếp tục phải chịu những hạn chế về rút tiền mặt và sử dụng tài khoản ngân hàng, khiến cho nền kinh tế thêm điêu đứng.

Để ứng phó, chính phủ Hy Lạp sẽ phải tăng lượng cung tiền trên thị trường, để giúp hệ thống ngân hàng hoạt động trở lại. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với đồng drachma? Hầu hết nhận định đều cho rằng đồng tiền này sẽ mất giá nhanh chóng.

Một kịch bản khác có thể xảy ra đó là người Hy Lạp vẫn bỏ phiếu “Không” với đề xuất của các chủ nợ, nhưng nước này rời Eurozone một cách có trật tự, ít hỗn loạn hơn. Dù vậy, người dân Hy Lạp vẫn sẽ lo lắng khi tiền của họ được chuyển đổi từ Euro sang đồng nội tệ drachma.

Điều gì sẽ xảy ra với tư cách thành viên EU một khi Hy Lạp không còn sử dụng đồng Euro? Theo một trong những luật sư của ECB, việc “một quốc gia thành viên rời khỏi khu vực Eurozone mà không rời khỏi EU, về mặt pháp lý là không thể chấp nhận”.

Nhưng nếu Hy Lạp vẫn không muốn tự nguyện rời EU, hiện cũng không có quy trình nào để khai trừ tư cách thành viên của họ. EU có thể phải sửa đổi hiệp ước của mình, nhưng đó là một tiến trình rất khó khăn với vô vàn rắc rối, bao gồm cả việc phải trưng cầu dân ý tại một số quốc gia thành viên.

Trường hợp Hy Lạp thực sự tách khỏi EU, điều đó sẽ cho thấy tư cách thành viên EU không phải vĩnh cửu như mong muốn ban đầu. Và nó có thể khiến những nước EU khác nếu gặp khó khăn trong tương lai sẽ chịu nhiều áp lực hơn trên thị trường tài chính, bởi những gì từng xảy ra tại Hy Lạp.

Thanh Tùng
Theo IBTimes, BBC