1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hong Kong chật vật tìm lại hình ảnh thiên đường mua sắm

CTV

(Dân trí) - Hong Kong đang chật vật gây dựng lại hình ảnh thiên đường bán lẻ toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau vài năm đóng cửa vì Covid-19 và các lý do khác.

Hong Kong chật vật tìm lại hình ảnh thiên đường mua sắm - 1

Những cửa hàng sang trọng ở quận Tsim Sha Tsui, Hong Kong (Ảnh: Reuters)

Nền kinh tế 360 tỷ USD của Hong Kong đã chịu thiệt hại không ít sau vài năm đóng cửa do dịch bệnh. Số lượng khách du lịch giảm so với trước năm 2019. Đại dịch Covid-19 đã biến Hong Kong trở thành một "cấm địa" đối với bên ngoài.

Lượng du khách đến trong tháng 6 thấp hơn 42% so với số liệu cùng tháng năm 2018, dẫn đến hệ quả là chi tiêu tiêu dùng yếu. Giá trị doanh số bán lẻ trong tháng này cũng chạm mức thấp nhất so với cùng kỳ tất cả các năm tính từ năm 2011.

Thực tế này khác xa so với thập niên trước, khi đường phố và những cửa hàng xa xỉ ở Hong Kong đều chật ních khách du lịch đến từ Trung Quốc đại lục.

Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đạt 65 triệu người, tăng 11% so với năm trước đó và đưa Hong Kong trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trên toàn cầu. Năm đó, Hong Kong chiếm giữ ngôi vị là nơi có khu bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới với sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều thương hiệu quốc tế.

Sức hấp dẫn đang ngày càng phai nhạt là một trong những thách thức mà Hồong Kong phải đối mặt khi tìm cách hồi sinh nền kinh tế và hình ảnh toàn cầu.

Trong bối cảnh thiếu giao dịch, lĩnh vực tài chính từng một thời sôi động của Hong Kong đang chứng chiến làn sóng sa thải nhân viên. Trong khi đó, giá thuê văn phòng đã sụt giảm sau khi một số doanh nghiệp chuyển đến Singapore.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đồng nghĩa với việc đặc khu trưởng Hong Kong John Lee không thể công du nhiều nước phương Tây. Điều này cản trở khả năng củng cố quan hệ của đặc khu sau khi Hong Kong ban hành luật an ninh quốc gia gây tranh cãi.

Kể cả nếu số lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục tăng trở lại, họ cũng khó có thể chi tiêu thoải mái như trước. Giá nhà sụt giảm và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng giữa lúc triển vọng kinh tế ảm đạm.

Đồng Nhân dân tệ mất giá cũng khiến Hong Kong trở nên đắt đỏ hơn. Đồng đô la Hong Kong đang được giao dịch gần mức cao nhất so với đồng Nhân dân tệ kể từ năm 2008.

Theo ông Simon Wong, chủ tịch Liên đoàn Nhà hàng Hong Kong, nhiều khách du lịch đại lục hiện nay thích những quán cà phê và nhà hàng địa phương hơn là chi tiền cho những bữa ăn đắt đỏ và hàng hóa xa xỉ.

"Trước đại dịch, họ chi khoảng 500 đô la Hong Kong (khoảng 64 USD) mỗi ngày để mua thực phẩm. Bây giờ, số tiền đó giảm xuống chỉ còn hơn một nửa", ông Wong cho biết.

Để minh họa cho tình hình sa sút của Hong Kong, truyền thông địa phương đưa tin gần đây, một cửa hàng ở khu du lịch Tsim Sha Tsui đã được cho thuê với giá thấp hơn 70% so với giá mà tập đoàn Burberry trả vào năm 2014.

Chi tiêu du khách sụt giảm có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế địa phương vốn đang có dấu hiệu căng thẳng sau khi phục hồi vào quý 1 năm nay.

Chính phủ Hong Kong đã hạ thấp mục tiêu tăng trưởng cao nhất cho năm 2023 và cho biết du lịch cùng với chi tiêu tiêu dùng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm.

Tiến sĩ Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis và nhà kinh tế cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel, cho biết: "Trừ khi lượng khách du lịch tăng trở lại mức trước năm 2019, tốc độ tăng trưởng của Hong Kong sẽ chậm lại trong nửa cuối năm".

Chính quyền Hong Kong đã phát động một loạt chiến dịch nhằm thu hút khách du lịch và cải thiện hình ảnh của thành phố, bao gồm chiến dịch "Xin chào Hong Kong", tặng vé máy bay cũng như đưa các ngôi sao điện ảnh và những người có tầm ảnh hưởng đến đặc khu.

Giới chức cho biết thành phố cần cải thiện khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện hơn như chợ đêm hay triển lãm.

Những hạn chế về hàng không cũng là một thách thức lớn. Sân bay Hong Kong, trước đây là sân bay bận rộn thứ ba thế giới về lượng hành khách quốc tế, đang hoạt động chỉ với 60% công suất so với mức trước Covid-19, nguyên nhân chính là do thiếu nhân công. Các khách sạn cũng chưa phục hồi dịch vụ trở lại so với trước đại dịch.

Trong khi lượng du khách thấp, người Hong Kong chọn du lịch đến Trung Quốc đại lục, nơi hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn do đồng Nhân dân tệ mất giá. Theo dữ liệu của Cục Thống kê và Điều tra Dân số Hong Kong, có khoảng 5 triệu chuyến đi đến Trung Quốc vào tháng 6, bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2018.

Crystal Chan, sinh viên đại học 22 tuổi, người đã đi Thâm Quyến năm lần trong 3 tháng qua, nói: "Thật không đáng để mua sắm ở Hong Kong".

Ngay cả cuộc sống về đêm nổi tiếng ở Hong Kong cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Chin Chun Wing, Chủ tịch Hiệp hội Bar và Club ở Hong Kong, những quán bar ở các khu thương mại của thành phố chỉ kiếm được 70% so với doanh thu hàng tháng trước đại dịch.

Ông Cliff Wong, nhân viên tại một trường đại học địa phương, cho biết thường đến quán bar 4 lần một tuần. Sau khi bạn bè rời thành phố do đại dịch và căng thẳng chính trị, hiện tại ông chỉ gặp gỡ bạn bè ít hơn một lần một tuần.

Khuê Châu

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm