1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cơn địa chấn nếu Mỹ tước bỏ “vị thế đặc biệt” của Hong Kong

(Dân trí) - Tất cả các bên đều sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu Mỹ tước bỏ “vị thế đặc biệt” của đặc khu hành chính Hong Kong sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới.

Cơn địa chấn nếu Mỹ tước bỏ “vị thế đặc biệt” của Hong Kong - 1

Những người biểu tình phản đối dự luật an ninh tại Hong Kong. (Ảnh: Reuters)

Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong được ban hành vào năm 1992, Mỹ sẽ đối xử với đặc khu hành chính Hong Kong khác với Trung Quốc đại lục cả về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump bây giờ có thể sẽ rút lại “vị thế đặc biệt” mà Mỹ đang áp dụng với Hong Kong để trả đũa Bắc Kinh vì đã thông qua dự luật an ninh mới với đặc khu hành chính này.

Theo Reuters, quốc hội Trung Quốc hôm nay 28/5 đã thông qua nghị quyết về xây dựng luật an ninh quốc gia với Hong Kong. Luật mới cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của đặc khu. Dự luật có thể mở đường để Trung Quốc đại lục thiết lập các cơ quan an ninh tại Hong Kong.

Động thái gần đây của Bắc Kinh được cho là để siết chặt quyền kiểm soát Hong Kong, bất chấp làn sóng phản đối từ những người biểu tình tại đây.

Trong tình huống xấu nhất, Hong Kong, nơi được xem là trung tâm tài chính toàn cầu, sẽ được Mỹ đối xử không khác biệt so với các thành phố khác tại Trung Quốc. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ tạo ra "cơn địa chấn", gây tổn hại cho cả nền kinh tế Mỹ và Hong Kong trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn.

Trong khi đó, Trung Quốc cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả đối với bất kỳ “sự can thiệp” nào từ bên ngoài.

Vị thế đặc biệt của Hong Kong bị tước bỏ?

Theo Bloomberg, khả năng này có thể xảy ra.

Tổng thống Mỹ có quyền đình chỉ “vị thế đặc biệt” của Hong Kong bằng một sắc lệnh hành pháp, nhưng chuyện này chưa bao giờ xảy ra. Tuy vậy, sức ép vẫn ngày càng gia tăng.

Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn dự luật "Dân chủ và nhân quyền Hong Kong" được quốc hội Mỹ thông qua. Theo luật này, Ngoại trưởng Mỹ có trách nhiệm xác nhận ít nhất một năm một lần rằng, Hong Kong vẫn duy trì đủ quyền tự trị khỏi Bắc Kinh để được hưởng quy chế ưu đãi về thương mại mà Mỹ dành cho đặc khu.

Dự luật của Mỹ bao gồm việc đánh giá quyền tự chủ của Hong Kong bị chính quyền Trung Quốc làm xói mòn tới mức độ nào, thậm chí có thể trừng phạt các quan chức bị cho là lạm dụng nhân quyền hoặc gây tổn hại cho quyền tự chủ của Hong Kong.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 27/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố "Hong Kong không còn đủ điều kiện để tiếp tục hướng quy chế ưu đãi đặc biệt”. Chính phủ Mỹ cũng đã thông báo cho quốc hội về việc Hong Kong không còn tự chủ trước Trung Quốc. Điều này có thể mở đường cho Washington tước bỏ quy chế ưu đãi kinh tế thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong.

Mất “vị thế đặc biệt” có ảnh hưởng gì tới Hong Kong?

Nếu Hong Kong bị Mỹ rút lại “vị thế đặc biệt”, kim ngạch thương mại ước tính trị giá 38 tỷ USD giữa Hong Kong và Mỹ có thể sẽ “xuống dốc”.

“Về lâu dài, mọi người sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về việc kiếm tiền hay làm ăn kinh doanh tại Hong Kong”, Kevin Lai, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Daiwa Capital Markets, nhận định.

Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS tại Đại học London, cho rằng việc hủy bỏ “vị thế đặc biệt” với Hong Kong là “lựa chọn đường cùng” và là “bước khởi đầu cho sự ra đi của một Hong Kong mà chúng ta từng biết”.

Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Mỹ có lý do để không gây xáo trộn tình hình quá nhiều. Đặc khu hành chính Hong Kong mở ra cho các công ty Mỹ một lối đi tương đối an toàn để tiếp cận thị trường Trung Quốc và kết nối với hệ thống tài chính Mỹ. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ trong năm 2018 là Hong Kong, với số tiền lên tới 31,1 tỷ USD.

Khoảng 290 công ty Mỹ đang đặt trụ sở khu vực tại Hong Kong và 434 công ty khác đặt văn phòng khu vực tại đây. Elsie Leung, lãnh đạo cơ quan tư pháp đầu tiên của Hong Kong sau khi đặc khu này được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng bất kỳ thiệt hại nào cũng ảnh hưởng chung tới cả Mỹ và Hong Kong.

“Không phải chỉ chúng tôi được hưởng lợi, đó là thỏa thuận thương mại tự do tốt cho cả hai bên”, bà Leung cho biết.

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang?

Bất kỳ lệnh trừng phạt hay quyết định hủy bỏ “vị thế đặc biệt” nào đối với Hong Kong cũng làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi mối quan hệ này đang phải chịu nhiều sức ép do đại dịch Covid-19, biểu tình tại Hong Kong, chiến tranh thương mại và các vấn đề khác.

Ngoài việc hàng năm phải xem xét lại “vị thế đặc biệt” của Hong Kong, luật “Dân chủ và nhân quyền Hong Kong" do Mỹ thông qua năm ngoái cũng cho phép tổng thống Mỹ đóng băng các tài sản tại Mỹ hoặc cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với bất kỳ cá nhân nào bị cho là có hành vi đàn áp nhân quyền tại Hong Kong. Những biện pháp trừng phạt này có thể được đưa ra sớm hơn việc đình chỉ quy chế ưu đãi về thương mại với Hong Kong và có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Hong Kong tự chủ tới mức nào?

Khi Anh trao trả Hong Kong về Trung Quốc năm 1997, chính quyền Trung Quốc đã cam kết rằng đặc khu này sẽ có “mức độ tự chủ cao” cả về pháp luật và kinh tế trong 50 năm, theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.

Báo cáo năm 2019 của Mỹ về tình hình tại Hong Kong vẫn cho rằng đặc khu hành chính này "đủ tự chủ", mặc dù đã có sự “giảm sút”. Tuy nhiên sau khi các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 6/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng tình trạng “xói mòn liên tục” về mức độ tự chủ của Hong Kong đã đặt "vị thế được thiết lập từ lâu trong các mối quan hệ quốc tế" của Hong Kong trước nhiều rủi ro.

Thành Đạt

Theo Bloomberg, SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm