1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Hòn đá tảng" ngáng đường giấc mơ đường sắt Á-Âu của Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Tình hình chiến sự ở Ukraine có thể ngáng đường giấc mơ về một hệ thống đường sắt xuyên Á-Âu, nằm trong chiến lược sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc.

Hòn đá tảng ngáng đường giấc mơ đường sắt Á-Âu của Trung Quốc - 1

Các chuyến tàu hướng đến Nga thường đi qua trung tâm đường sắt của Kazakhstan ở gần biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Astanatimes).

Theo Foreign Policy, khi được chào đón tới Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 6/2 để dự Thế vận hội Mùa đông 2022, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã bàn với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình về tầm nhìn lâu dài trong việc biến Ba Lan thành "cửa ngõ vào châu Âu" của Trung Quốc.

Nhưng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể đã cản trở giấc mơ đó.

Ba Lan là nơi có các tuyến đường sắt nối Trung Quốc với châu Âu dọc theo "Con đường tơ lụa mới". Hành lang đường sắt xuyên lục địa Á-Âu này, vốn chạy qua lãnh thổ Kazakhstan, Nga và Belarus, đã trở thành một nhánh quan trọng của BRI, được mệnh danh là "con đường tơ lụa bằng sắt" của Trung Quốc.

Hình ảnh đoàn tàu Trung Quốc băng qua Á-Âu và đưa hàng hóa Trung Quốc đến người tiêu dùng châu Âu đã được Bắc Kinh quảng bá rầm rộ và trở thành một phần quan trọng của thương hiệu BRI.

Nhưng gần một nửa số tuyến đường đó đi qua Nga. Và tuyến đường này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của châu Âu nhắm vào Moscow hiện nay.

Trong năm 2017, khoảng 40 tuyến vận tải hàng hóa kết nối Trung Quốc với châu Âu. Hiện nay, con số này tăng gần gấp đôi lên 78 tuyến, đến 180 thành phố ở 23 quốc gia châu Âu. Không chỉ tăng tuyến đường, thành phố mà số chuyến đi cũng tăng lên, trong đó năm 2016 chỉ có 1.900 chuyến nhưng năm 2021, con số đó đạt gần 14.000 chuyến.

Và khi số chuyến đi tăng vọt trong đại dịch, giá trị hàng hóa được vận chuyển bằng những chuyến tàu chở hàng này cũng vậy, tăng từ 8 tỷ USD năm 2016 lên 74,9 tỷ USD vào năm 2021.

Xu hướng này còn tăng lên ngay cả trong thời kỳ đại dịch, tăng 50% vào năm 2021 từ khoảng 50 tỷ USD vào năm 2020. Đây là một cú hích lớn đối với các tuyến đường sắt mà Trung Quốc đã rất tâm huyết hỗ trợ, thúc đẩy và tạo lợi nhuận.

Khi các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-châu Âu trở thành hình mẫu thành công của BRI, Bắc Kinh đã tự hào rằng dịch vụ này mang lại "sự ổn định của chuỗi cung ứng lục địa" trong vài năm qua.

Ban đầu, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều khoản trợ cấp cho hoạt động của tuyến đường sắt nay nhưng giờ Bắc Kinh hiện đang xem xét liệu có nên dừng cơ chế này vào năm 2023 hay không, sau khi đã liên tục giảm mức hỗ trợ.

Với hơn 50.000 chuyến đi (vào năm 2021, cứ 30 phút lại có một chuyến tàu), một nửa trong số đó là lưu thông trong thời kỳ đại dịch.

Vành đai - Con đường của Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn

Nhưng đó là trước khi Nga hành động quân sự ở Ukraine và phương Tây quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga.

Các công ty như DHL, Volvo Cars hoặc Ligne Roset có thể không còn được phép hoặc có thể chọn không vận chuyển hàng hóa qua Nga nữa. Các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ ảnh hưởng lớn đến BRI của Trung Quốc.

"Con đường tơ lụa bằng sắt" đã phải chịu số phận như vậy sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, khi các lệnh trừng phạt đáp trả giữa EU và Nga làm tổn hại đến xuất khẩu đường sắt của châu Âu sang Trung Quốc.

Cụ thể hơn, EU không thể xuất khẩu nhiều loại nông sản và thực phẩm sang Trung Quốc vì hàng hóa phải đi qua Nga, nơi chúng bị cấm từ năm 2014 đến năm 2020.

Lần này, số phận tương tự có thể xảy ra đối với không chỉ lĩnh vực xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc mà còn cả xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu.

Xét đến việc Trung Quốc xuất khẩu gần 75 tỷ USD bằng tàu chở hàng sang châu Âu và việc vận chuyển hàng hải bị ảnh hưởng bởi chi phí cao, bị chậm trễ và không đủ nguồn lực vận tải, tác động là rất lớn.

Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Chiến sự Nga - Ukraine còn có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, và thực tế là các biện pháp trừng phạt và đáp trả trừng phạt khiến giá năng lượng tăng, do đó làm giảm sức mua của người tiêu dùng khi chi tiêu cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Người tiêu dùng ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở Mỹ, thị trường xuất khẩu quan trọng khác của Trung Quốc, cũng như chính người tiêu dùng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn khi họ phải đối mặt với giá cả năng lượng tăng cao.

Nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm do giá năng lượng cao hơn và những lo lắng về địa chính trị kết hợp với lệnh cấm hàng hóa qua Nga thông qua Con đường tơ lụa mới.

Hiện nay, cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ "giết chết" giấc mơ trở thành trung tâm thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu của Ba Lan, mà còn có thể gây bất ổn định cho một trong những dự án BRI thành công nhất của Trung Quốc: Con đường tơ lụa mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm