1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc sơ tán công dân ở Ukraine giữa lúc chiến sự leo thang

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc bắt đầu sơ tán công dân nước này khỏi Ukraine do lo ngại tình hình chiến sự leo thang.

Trung Quốc sơ tán công dân ở Ukraine giữa lúc chiến sự leo thang - 1

Những người Ukraine đi sơ tán tại Siret, Romania (Ảnh: Reuters).

Báo Global Times dẫn lời Đại sứ quán Trung Quốc ở Ukraine cho biết, khoảng 600 sinh viên Trung Quốc đã được sơ tán từ thủ đô Kiev và thành phố cảng phía nam Odessa vào ngày 28/2.

Họ di chuyển bằng xe buýt đến nước láng giềng Moldova dưới sự hộ tống của Đại sứ quán và cảnh sát địa phương. Một người sơ tán cho biết hành trình sơ tán kéo dài 6 tiếng, diễn ra "an toàn và suôn sẻ".

Hơn 1.000 công dân Trung Quốc sẽ tiếp tục rời Ukraine vào ngày 1/3 để tới Ba Lan và Slovakia, 2 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi các quốc gia như Mỹ, Anh và Nhật Bản đã sơ tán các nhà ngoại giao và kêu gọi người dân rời khỏi Ukraine từ nhiều tuần trước khi xung đột nổ ra, Trung Quốc đã đợi đến ngày 24/2 mới tuyên bố tổ chức các chuyến bay để sơ tán công dân. Tuy nhiên, các chuyến bay này chưa được thực hiện và Ukraine sau đó đã đóng cửa không phận.

Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine bác tin ông đã rời khỏi Kiev, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc "đợi cho đến khi an toàn" để di tản.

Trung Quốc cho biết khoảng 6.000 công dân nước này đang sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine.

Hungary và Romania, 2 quốc gia EU khác, cũng sẽ cung cấp hỗ trợ cho các công dân Trung Quốc từ Ukraine, Đại sứ quán cho biết.

Trong cuộc điện đàm hôm 22/2 với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Bắc Kinh bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay ở Ukraine. 

Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Ukraine vẫn nhất quán. "Các vấn đề về an ninh của bất cứ quốc gia nào cũng cần được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc", ông Vương nói. Ông kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế, công nhận tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc hạ nhiệt tình hình, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán".

Trước đó, trong tuyên bố ngắn gọn tại cuộc họp khẩn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/2, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng tại Ukraine. Ông nhấn mạnh tất cả các vấn đề nên được giải quyết thông qua ngoại giao và trên cơ sở bình đẳng.

Giới quan sát cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đẩy Trung Quốc vào thế khó. Theo SCMP, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là khách hàng mua các khí tài quân sự lớn của Ukraine. Cho đến nay, Bắc Kinh đã nỗ lực duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp đối với cả Nga và Ukraine khi công khai kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại và chủ yếu hướng sự chỉ trích sang Mỹ.

Ông Yang Cheng tại Đại học nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho rằng Nga và Ukraine đều có "giá trị riêng" đối với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ không chọn nghiêng về bên nào. "Trung Quốc hy vọng khủng hoảng Ukraine có thể hạ nhiệt hoặc được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và các lực lượng bên ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ của các bên", ông Yang nhận định.