Hơn 75.000 nhân viên y tế Mỹ đình công
(Dân trí) - Hàng chục nghìn nhân viên y tế ở Mỹ đã đình công hôm 4/10, bắt đầu một trong những cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử gần đây của ngành y tế.
Cuộc đình công của hơn 75.000 nhân viên y tế tại Kaiser Permanente, tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận lớn nhất nước Mỹ, diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Những người biểu tình ở Los Angeles hôm 4/10 cho biết họ bị trả lương thấp và làm việc quá sức.
"Kể từ khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã mất rất nhiều nhân viên và không bao giờ tìm lại được họ. Bây giờ, chúng tôi đang ở bên bờ vực thẳm", kỹ thuật viên chụp X-quang Armando Velasco nói với AFP.
Y tá Kathy Lozoya cho biết chi phí sinh hoạt tăng vọt ở miền nam California khiến cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn.
"Kaiser Permanente đã báo cáo lợi nhuận hàng tỷ đô la, vì vậy tất cả những gì chúng tôi yêu cầu từ các CEO của Kaiser là chia sẻ lợi nhuận đó với những người lao động ở tuyến đầu. Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là một hợp đồng công bằng để chúng tôi có thể sống", Lozoya nói.
Các cơ sở của Kaiser Permanente ở Washington DC, Virginia, California, Colorado, Oregon và bang Washington dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công kéo dài ba ngày. Kaiser cho biết các trung tâm sẽ vẫn mở cửa, nhưng cảnh báo thời gian chờ đợi sẽ "dài hơn bình thường".
Cuộc đình công diễn ra trong một năm mà Mỹ ghi nhận mức độ đình công cao bất thường, khi người lao động phải vật lộn với mức lạm phát chưa từng thấy trong một thế hệ.
Giá cả cao hơn đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ, trong khi sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dẫn đến mối lo ngại về việc tự động hóa việc làm ngày càng tăng.