Những nhân viên y tế Mỹ từ chối tiêm vắc xin Covid-19
(Dân trí) - Một bác sĩ tại thành phố Houston cho biết hơn một nửa trong số nhân viên y tế tại đơn vị của ông không muốn tiêm vắc xin Covid-19.
"Ngày hôm qua, tôi đã có một cuộc tranh luận thân mật, chứ không phải tranh cãi, với hơn một nửa số y tá trong đơn vị của tôi. Họ nói với tôi rằng họ sẽ không tiêm vắc xin", bác sĩ Joseph Varon nói với NPR hôm 16/12.
Bác sĩ Varon hiện công tác tại Trung tâm Y tế Houston Memorial thuộc thành phố Houston, bang Texas, Mỹ.
"Tất nhiên tôi khuyến khích quan điểm rằng mọi người nên tiêm vắc xin, và tôi đã hỏi họ "Vì sao không tiêm vắc xin". Các bạn biết đấy, như tôi từng nói, rốt cuộc vắc xin đã trở thành công cụ chính trị, và lý do khiến phần lớn mọi người không muốn tiêm vắc xin vì nó mang động cơ chính trị", ông Varon nói.
Bác sĩ Varon nói rằng ông và các đồng nghiệp có thể tiếp cận vắc xin Covid-19 vào tuần tới. Mặc dù vẫn còn một chút do dự, nhưng các nhân viên y tế khác vẫn "rất vui vẻ" và "hơi khó chịu" vì không thể tham gia vào đợt tiêm vắc xin đầu tiên.
Theo kết quả khảo sát do tổ chức Kaiser Family Foundation công bố hôm 15/12, khoảng 27% trong số người Mỹ được khảo sát nói rằng, họ có thể hoặc chắc chắn sẽ không tiêm vắc-xin Covid-19, ngay cả khi chúng được cấp miễn phí và bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, 71% người Mỹ được hỏi cho biết họ có thể hoặc chắc chắn sẽ tiêm vắc xin, tăng so với 63% hồi tháng 9. Các nhà chức trách đã trấn an người dân Mỹ rằng, mặc dù quá trình phê duyệt vắc xin diễn ra với tốc độ kỷ lục nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) nghiên cứu bào chế. Những lô vắc xin đầu tiên của Pfizer-BioNTech đã được chuyển tới 50 bang tại Mỹ từ ngày 14/12 và sẽ tiếp tục được phân phối trong những tuần tới.
Đợt tiêm vắc xin đầu tiên tại Mỹ chỉ giới hạn cho các nhân viên y tế và những đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ lây nhiễm cao như những người lớn tuổi trong các viện dưỡng lão.
Bộ trưởng Y tế Mỹ ngày 16/12 cho hay, 20 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vắc xin trước cuối năm nay, 50 triệu người sẽ được tiêm trước cuối tháng 1 và 100 triệu người sẽ được tiêm trước cuối tháng 2.
Hiện số ca tử vọng vì Covid-19 tại Mỹ vẫn ở mức đáng báo động, khoảng 3.000 người/ngày. Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 314.000 ca tử vong và hơn 17,3 triệu ca nhiễm.
Mặc dù một ủy ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 12/12 đã khuyên sử dụng vắc xin của Pfizer-BioNTech và vắc xin của Pfizer-BioNTech đã chứng tỏ đạt hiệu quả đến 95% trong đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, song bác sĩ Varon cảnh báo người Mỹ không nên thỏa mãn với kết quả này.
"Tôi thực sự tin rằng 6 tuần tới có thể sẽ là những tuần đen tối nhất mà Houston phải trải qua. Chúng tôi cần mọi người tiếp tục chiến đấu", ông Varon nói.
"Mối quan ngại chính của tôi là, mọi người nghĩ rằng vắc xin sẽ giải quyết được dịch bệnh và giải quyết nhanh chóng. Đúng là vắc xin sẽ phát huy tác dụng, nhưng điều đó cần có thời gian. Sẽ mất nhiều tháng nữa, thậm chí nhiều năm nữa trước khi tất cả mọi người được tiêm vắc xin. Khi đó chúng ta mới có thể kiểm soát được đại dịch", bác sĩ Varon cảnh báo.