Hơn 1,5 triệu người mắc Covid-19, thế giới đối mặt suy thoái chưa từng có
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 1,5 triệu người trên thế giới mắc bệnh và đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái nhất nhiều thời đại.
Tính đến sáng nay 9/4, thế giới ghi nhận tổng cộng khoảng 1,51 triệu ca mắc Covid-19, trong đó khoảng 88.000 người đã tử vong, 330.000 trường hợp đã được điều trị khỏi các triệu chứng, theo số liệu trên trang web Worldometers
Hơn 3 tháng kể từ khi dịch bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay dịch đã lan ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong khi dịch bệnh tại Trung Quốc bắt đầu được kiểm soát và thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân được dỡ phong tỏa sau 76 ngày, dịch lại bùng phát mạnh tại châu Âu và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Các chính phủ trên thế giới đang ra sức đối phó với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ trong khi hơn 3 tỷ dân được khuyến cáo ở trong nhà, hạn chế tối đa việc ra ngoài trừ trường hợp thực sự cần thiết.
Dịch Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế gần như “đóng băng”, hàng triệu người mất việc làm chỉ trong vài tuần. Trước tình hình này, nhiều chính phủ buộc phải tung ra các gói cứu trợ lớn chưa từng có, trong đó có Mỹ với gói 2,2 nghìn tỷ USD và Nhật Bản với gần 1 nghìn tỷ USD.
Theo báo cáo triển vọng thương mại thường niên vừa được công bố, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo, thương mại toàn cầu có thể sụt giảm 13-32% trong năm nay do Covid-19 làm “gián đoạn các hoạt động kinh tế và đời sống toàn cầu”. Các chuyên gia kinh tế của WTO tin rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 thậm chí còn "tồi tệ" hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo cảnh báo, kinh tế toàn cầu có thể suy thoái nặng nề nhất trong nhiều thời đại trở lại đây. “Sự sụt giảm trong thương mại và sản lượng là không thể tránh khỏi. Điều này sẽ gây ra hậu quả ảnh hưởng tới các hộ gia đình và doanh nghiệp trên thế giới. Nhưng tôi tin rằng chúng ta cũng phục hồi lại nhanh chóng. Các quyết định vào thời điểm này sẽ định hình cho tương lai của sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng toàn cầu”, ông Azevedo nói.
Mặc dù tác động đến kinh tế là rất lớn, song các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, bất cứ việc nới lỏng các lệnh hạn chế nào quá sớm có thể khiến dịch bùng phát mạnh trở lại.
Minh Phương
Theo SCMP